Đã từ lâu, người ta biết đến yến sào như một loại cao lương mỹ vị với hàm lượng chất dinh dưỡng cực kỳ cao, rất tốt cho sức khỏe. Nhưng công đoạn sơ chế món ăn này cũng rất cầu kỳ, công phu và tốn nhiều thời gian, khiến cho không ít bà nội trợ ái ngại.
Với một vài dụng cụ đơn giản quen thuộc, sơ chế tổ yến sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Cùng Cooky tìm hiểu cách làm sạch lông trong tổ yến nhé!
Các loại tổ yến thường gặp và cách chọn mua
Yến sào là tổ của loài chim yến, được chúng xây nên bằng cách tiết ra nước dãi. Chúng thường làm tổ trên những vách đá hiểm hóc ngoài biển khơi, tránh những loài săn mồi trên không. Ở điều kiện tự nhiên, tổ yến có hình dạng như một cái chén, thân dày, chân cứng gắn chặt vào tường. Tổ yến thường được tìm thấy nhiều ở Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Mỗi tổ yến nặng từ 7 đến 8 gam, chứa nhiều nguyên tố khoáng đa lượng và vi lượng với hàm lượng cao. Những yếu tố vi lượng có vai trò đặc biệt trong việc hình thành các hormon sinh trưởng, giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả, hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng, ăn ngon ngủ ngon, cơ thể khỏe mạnh.
Bạch yến
Đây là loại tổ yến phổ biến nhất trên thị trường, có thể khai thác từ cả yến đảo và yến nuôi. Bạch yến có màu trắng ngà, hơi ngả sang màu vàng. Chúng ta có thể phân biệt tổ yến đảo và tổ yến nhà bằng phần chân tổ.
- Bạch yến đảo: do thời tiết khắc nghiệt, tổ yên lại phải bám vào vách đá nên bề mặt yến đảo thường sần sùi, phần chân cứng, chắc và không bằng phẳng. Tổ yến đảo thường mang hương vị tanh nồng nhẹ, sợi yến dai và giòn hơn.
- Bạch yến nuôi: được khai thác từ các trại nuôi yến lấy tổ. Bạch yến nhà có bề mặt phẳng, phần tiếp giáp chân tổ hơn so với bạch yến đảo. Khi ngâm nước, các sợi yến mềm và nở ra chứ không tan.
Hồng yến
Hồng yến trên thực tế có màu vỏ quýt ngả sang màu vàng lòng đỏ trứng gà, màu càng đậm thì giá trị càng cao. Hồng yến nhà có màu cam nhạt và khá đều màu. Còn hồng yến đảo có xu hướng đậm hơn ở phần viền tổ.
Khi ngâm hồng yến, nước ngâm không bị loang màu, sợi yến vẫn giữ nguyên được màu sắc ngay cả khi chưng nấu.
Huyết yến
Huyết yến là loại có giá trị cao nhất trong các loại tổ yến bởi sự quý hiếm và giá trị dinh dưỡng của chúng. Huyết yến chỉ có thể thu hoạch từ 1 đến 2 lần trong năm với tỉ lệ rất nhỏ.
Màu đỏ của tổ yến được tạo thành từ sự lên men kết hợp với các khoáng chất trên vách đá, dưới sự tác động của các yếu tố khác nhau trong tự nhiên như độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ,...tổ yến dần chuyển sang màu đỏ từ hồng đến đỏ sậm tùy vào địa hình thổ nhưỡng khu vực đó. Chính vì thế, loại tổ yến này chỉ có thể khai thác từ yến đảo.
Cách làm sạch tổ yến thô
Tổ yến thô khi mua về thường vẫn còn lẫn tạp chất chất, đặc biệt các sợi lông yến. Làm sạch tổ yến là một công đoạn quan trọng, nhưng không phải ai cũng làm đúng quy trình và đúng cách. Sơ chế tổ yến cơ bản có 3 bước:
Bước 1: Vệ sinh tạp chất ngoài bề mặt
Nhẹ nhàng chà sạch bề mặt tổ yến bằng bàn chải đánh răng, loại bỏ các bụi bẩn trên bề mặt tổ yến.
Bước 2: Làm mềm tổ yến
Dùng 1 chiếc khăn ẩm để bọc tổ yến lại, bỏ vào một cái hộp kín và bảo quản trong tủ lạnh. Tùy theo từng loại tổ yến mà thời gian ủ khăn ẩm khác nhau, bạch yến thì chỉ cần ủ từ 2-6 giờ, huyết yến ủ khoảng 20 giờ. Nhưng nhìn chung, không ủ chúng quá 24 giờ.
Nếu không dùng khăn ẩm để ủ tổ yến, chúng ta vẫn có thể ngâm tổ yến trong nước sạch để sợi yến mềm ra. Tuy nhiên, các phần của tổ yến có độ cứng không đều, phần chân tổ thường cứng hơn những phần còn lại. Vì thế, chúng ta không nên đợi cho tổ yến mềm hẳn, mà hãy làm sạch những phần yến mềm trước, trong khi đó, phần cứng được ngâm sẽ có đủ thời gian để tơi ra.
Bước 3: Loại bỏ lông ra khỏi sợi yến
Sau khi tổ yến đã tơi nhẹ và mềm ra, chúng ta tiến hành làm sạch những sợi lông còn sót lại trong tổ. Dùng nhíp chuyên dụng gắp lông ra khỏi tổ yến, còn những sợi lông nhỏ, chúng ta có thể cho tổ yến vào 1 cái rây lỗ nhỏ và rây nhẹ nhàng qua nước sạch nhiều lần.
Cách làm sạch tổ yến vô cùng đơn giản, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn, để sợi yến sạch sẽ mà vẫn giữ được hương vị tươi ngon và chất dinh dưỡng.
Những điều cần lưu ý khi sơ chế và chế biến tổ yến
1. Không để tổ yến ngâm trong nước quá lâu, sẽ làm mất hết chất dinh dưỡng cũng như vị ngon tự nhiên của tổ yến
2. Không dùng yến để nấu trực tiếp các món chè, cháo, canh,...Phương pháp chế biến tổ yến tốt nhất là hấp cách thủy. Những món ăn kèm được chế biến riêng và dùng chung với tổ yến sau khi chế biến.
3. Không dùng lò vi sóng để hấp lại yến, dễ làm phá vỡ các vi chất trong yến.
4. Nhiệt độ để nấu tổ yến không quá 100 độ C.
5. Để yến khô ráo trước khi bảo quản trong tủ lạnh.
Các món ăn thơm ngon bổ dưỡng với tổ yến
1. Chè tổ yến táo tàu
Nguyên liệu:
- Táo tàu: 10 trái
- Hạt sen tươi: 20 gr (khoảng 20 hạt)
- Yến sào: 10 gr
- Đường phèn: 20 gr
- Lá dứa: 5 lá
Cách thực hiện:
Bước 1: Hầm hạt sen khoảng 20 phút, rồi cho táo tàu vào tiếp tục nấu đến khi táo nở rồi cho yến và đường phèn vào chung
Bước 2: Nêm nếm độ ngọt vừa ăn. Cho lá dứa đã được rửa sạch vào khoảng 2 đến 3 phút tạo mùi thơm.
Bước 3: Tắt bếp, múc ra chén và thưởng thức
Tham khảo công thức chi tiết món Chè tổ yến táo tàu
2. Yến sào chưng trứng sữa
Nguyên liệu:
- Trứng gà: 4 quả
- Sữa tươi không đường: 500 ml
- Đường trắng: 30 gr
- Yến sào: 200 gr (đã chưng)
Cách thực hiện:
Bước 1: Đun ấm sữa tươi dưới lửa vừa (không cần để sữa sôi), thêm đường vào khuấy tan rồi để hỗn hợp nguội.
Bước 2: Đánh tan lòng trắng trứng, lọc qua rây để loại bỏ bọt. Cho sữa ấm vào bát trứng trộn đều.
Bước 3: Bọc kín hỗn hợp trứng sữa lại, cho vào nồi hấp cách thủy khoảng 15 phút rồi tắt bếp.
Bước 4: Cho yến sào đã chưng lên trên và thưởng thức.
Tham khảo công thức chi tiết món Yến sào chưng trứng sữa
3. Cháo cua tổ yến
Nguyên liệu:
- Yến sào 30 gr (tươi)
- Thịt heo bằm 150 gr
- Cua biển 320 gr
- Hạt sen tươi 50 gr
- Cà rốt 1 củ
- Khoai lang 1 củ
- Khoai tây 1 củ
- Hành lá 50 gr
- Gạo 100 gr
- Hạt nêm 1 muỗng cà phê
- Tiêu 1/3 muỗng cà phê
- Muối 1/2 muỗng cà phê
Cách thực hiện:
Bước 1: Rửa sạch cua, luộc chín và xé nhỏ. Tổ yến chưng sẵn, thịt heo bằm nhỏ rồi cho ra dĩa. Cắt cà rốt, khoai tây, hạt sen, cắt thành miếng vừa ăn.
Bước 2: Gạo vo sạch, cho vào nồi cùng 1 lít nước, đậy nắp nấu sôi. Cho tiếp rau của, thịt heo vào nấu cho mềm. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn.
Bước 3: Cho tổ yến chưng sẵn, thịt cua và hành lá vào cháo, nấu thêm khoảng 1 phút nữa thì tắt bếp.
Tham khảo công thức chi tiết món Cháo cua tổ yến
Yến sào mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, cho nhiều độ tuổi khác nhau. Chính vì thế, mặc dù mức giá khá đắt đỏ nhưng lượng tiêu thụ yến sào vẫn luôn ổn định. Với những thông tin trong bài viết, hi vọng các bạn sẽ hiểu rõ hơn và chế biến chúng thành những món ăn thơm ngon mà vẫn giữ trọn dinh dưỡng. Chúc các bạn thành công!
Có thể tham khảo thêm: