Làm bố cũng giống như tham dự vào một chặng đua đường dài vậy. Suốt cuộc đời, bố và con sẽ cùng nhau trải qua rất nhiều giai đoạn khác nhau!
Có nhiều yếu tố chứng minh làm bố chính là một cuộc đua đường dài: cần có sự bền bỉ, có tư duy chiến lược, có những điều chỉnh phù hợp dọc đường, có sự hỗ trợ cũng như động viên từ những người xung quanh và các cột mốc tham khảo để đánh giá hiệu quả. Ví dụ, trong suốt ba giai đoạn đầu của quãng đời mà bố và con cùng trải qua, cụ thể là trước khi con cái đến tuổi vị thành niên, việc nuôi dưỡng con để trẻ lớn lên khoẻ mạnh là quan trọng nhất. Còn ở giai đoạn trẻ vị thành niên, việc giải quyết khủng hoảng mới là yếu tố cần quan tâm hàng đầu. Ngoài ra, mức độ hài lòng của một người bố sẽ phát triển dựa theo một quá trình sáu giai đoạn như bên dưới.
Giai đoạn 1: Kết nối
Giai đoạn này bắt đầu từ khi bạn biết được mình sắp làm bố và kéo dài cho tới hết hai năm đầu đời của trẻ. Trong giai đoạn này, bạn sẽ cần tự điều chỉnh để phù hợp với vai trò và trách nhiệm mới cũng như nắm bắt được những đặc ân tuyệt vời cùng tinh thần trách nhiệm khi đã lên chức bố. Đây là giai đoạn bố và con từ chỗ còn xa lạ sẽ trở nên thân thiết hơn, như thể chào đón người bạn mới bước vào thế giới của mình.
Giai đoạn 2: Chủ nghĩa lý tưởng
Giai đoạn này diễn ra trước khi đứa trẻ đến tuổi đi học. Lúc này, nhu cầu của trẻ chủ yếu nằm ở góc độ thể chất và dần dần xây dựng các mối quan hệ. Đây là lúc mà bố và con đều đang ưu tiên cho việc thắt chặt tình yêu thương. Bạn sẽ cảm thấy mình thật hào hứng với vai trò mới.
Giai đoạn trước khi con đi học là quãng thời gian mà bố và con sẽ cùng trải qua nhiều kỷ niệm đẹp.
Giai đoạn 3: Thấu hiểu
Đây là lúc đứa con bé bỏng của bạn bắt đầu đi học. Các mối quan hệ được mở rộng cũng như sự khéo léo về mặt thể chất tăng lên khiến trẻ trở nên thích cạnh tranh hơn. Giai đoạn này sẽ kéo dài suốt những năm niên thiếu.
Giai đoạn 4: Tỉnh thức
Đây có lẽ là giai đoạn mà các ông bố sẽ dễ nổi giận nhất. Trẻ bắt đầu tìm kiếm cho mình một chỗ đứng và thể hiện tính độc lập. Các nhân tố bên ngoài sẽ bắt đầu làm cho vai trò người cha có phần lu mờ trong cuộc sống của trẻ. Đây là giai đoạn giữa bố và con thường xảy ra mâu thuẫn, cãi vã và giận dỗi nhất. Và nếu chính bản thân bạn cũng đang trong giai đoạn tự điều chỉnh tuổi trung niên, điều này thậm chí còn trở nên khó khăn hơn.
Giai đoạn 5: Phản chiếu
Đây là lúc con của bạn rời khỏi nhà để đi học đại học, đi làm hoặc kết hôn. Khi lối sống độc lập của trẻ được bộc lộ rõ, bạn bắt đầu suy nghĩ về những ảnh hưởng của mình lên con cái và những việc mà bạn có thể đã thất bại.
Giai đoạn 6: Thế hệ tiếp nối
Đây là giai đoạn cuối cùng khi bạn thành ông nội/ ông ngoại. Lúc này, mối quan hệ giữa hai cha con đã trưởng thành hơn nhiều và gần giống như một tình bạn. Bạn sẽ nhận thức được hết sức rõ ràng về những ảnh hưởng của mình lên con và sẽ có xu hướng muốn tham gia vào cuộc sống của những đứa cháu. Và chính lúc này đây bạn sẽ nhận ra rằng, làm cha chính là vai trò to lớn nhất mà mình từng đảm nhận trong đời.
Trách nhiệm làm bố cũng không kém phần khó khăn như làm mẹ đâu. Các ông bố sẽ phải trải qua những giai đoạn trên để có thể hiểu hơn về con cái của mình đấy!
St