Thời tiết thay đổi, nóng lạnh thất thường dẫn đến rất nhiều người dễ mắc chứng đau nửa đầu, chóng mặt. Tuy nhiên, dù đã dùng thuốc nhưng vẫn không có hiệu quả. Hôm nay, Cooky gợi ý 8 món ăn giúp chữa chứng đau đầu cực kì hiệu quả, chỉ cần bổ sung thường xuyên cơn đau của bạn sẽ giảm rõ rệt. Với các loại thực phẩm như mía, đậu đen, bí đỏ, atiso,... khi nấu cùng nhiều nguyên liệu khác nhau có tác dụng đánh tan cơn đau đầu.
1. Canh atiso chân giò
Hoa atiso có rất nhiều dinh dưỡng, ngoài nấu nước uống giúp thanh nhiệt, hoa còn có tác dụng trị đau đầu rất tốt. Kết hợp hoa atiso với giò heo tạo nên món canh thanh đạm, mát mẻ, cực có lợi cho sức khỏe của bạn đặc biệt là những lúc chứng đau đầu tái phát. Nếu nhà bạn có thành viên mắc chứng bệnh dai dẳng này hãy bỏ túi ngay cách nấu canh atiso chân giò nha.
Nguyên liệu làm Canh atiso chân giò:
- 1 Bông atiso tươi
- 500g Móng giò heo
- 2 củ Hành tím
- 1 muỗng Dầu ăn
- 1 muỗng Nước mắm
- 2 muỗng Hạt nêm
- 1/2 muỗng Tiêu
- 2 nhánh Ngò rí
Cách làm Canh atiso chân giò:
- Chân giò làm sạch, chặt nhỏ ướp với nước mắm, hạt nêm và tiêu trong 15 đến 20 phút. Đem chiên sơ khoảng 2 đến 3 phút.
- Atiso rửa sạch, cắt các phần đều nhau.
- Đun sôi bông atiso, hạ nhỏ lửa để khoảng 1 tiếng đồng hồ cho bông mềm. Cho chân giò vào nồi atiso, thêm hạt nêm và đun tiếp khoảng 2 đến 3 tiếng.
- Múc canh ra tô, trang trí thêm ít ngò rí cho đẹp mắt, rắc thêm ít tiêu là có thể dùng. Đây là món canh cực mát và bổ dưỡng thích hợp tẩm bổ cho người bị đau đầu.
Xem công thức và cách làm chi tiết Canh atiso chân giò
2. Canh gà lá giang
Ngày hè nóng bức khiến cơ thể mệt mỏi, dễ đau đầu, chóng mặt mà được thưởng thức ngay một chén canh gà lá giang chua chua ngọt ngọt, thanh mát thì không còn gì tuyệt vời hơn. Lá giang có chứa nhiều vitamin, chất khoáng giúp hỗ trợ điều trị chứng đau đầu, kết hợp cùng thịt gà càng làm tăng hiệu quả. Canh gà lá giang vừa giúp kích thích ăn vừa giúp chữa bệnh đau đầu rất tốt.
Nguyên liệu làm Canh gà lá giang:
- 1 con Gà
- 1 trái Ớt sừng
- 1 bó Lá giang
- 3 cây Sả
- 1 củ Tỏi
- 3 cây Ngò om
- 1 cây Ngò gai
- 1/2 cây Hành lá
- 1/2 muỗng Muối
- 1/2 muỗng Đường trắng
- 1 muỗng Hạt nêm
- 1 muỗng Nước mắm
- 2 muỗng Dầu ăn
Cách làm Canh gà lá giang:
- Lá giang rửa sạch. Sả cắt khúc, đập dập. Tỏi lột vỏ, băm nhuyễn.
- Gà chặt miếng vừa ăn, ướp muối, đường, hạt nêm và đầu hành đập dập khoảng 20 phút.
- Phi thơm tỏi và sả. Sau đó cho thịt gà vào xào săn lại.
- Cho thịt gà đã xào săn vào nồi nước, nấu sôi. Nêm nước mắm cho vừa ăn. Kiểm tra thấy thịt gà đã chín tiếp tục cho lá giang vào nồi. Nước sôi thêm lần nữa thì tắt bếp.
- Trang trí canh với ớt cắt khoanh, ngò gai, ngò ôm cắt khúc và thưởng thức thôi nào.
Xem công thức và cách làm chi tiết Canh gà lá giang
3. Chè đậu xanh nha đam đường phèn
Đậu xanh vốn là họ nhà đậu nằm trong top chữa bệnh hay nhờ vào những thành phần chất khoáng, protein, vitamin có trong nó. Đặc biệt, với những người mắc chứng đau đầu lâu năm, thường xuyên ăn đậu xanh có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh hiệu quả, giúp cơ thể hạ nhiệt, xoa dịu hệ thần kinh. Chè đậu xanh nha đam đường phèn ăn vừa mát vừa bổ mà lại cực kì dễ làm nữa.
Nguyên liệu làm Chè đậu xanh nha đam đường phèn:
- 300g đậu xanh
- 500g Nha đam
- 350g Đường phèn
- 20g Phổ tai
- 1 ống Vani
- 1 muỗng Muối
- 5ml Nước cốt chanh
Cách làm Chè đậu xanh nha đam đường phèn:
- Đậu xanh hạt vo sạch, ngâm với nước từ 3 đến 4 tiếng. Vớt đậu ra để ráo nước.
- Rong biển (phổ tai) ngâm cho nở mềm rồi đem rửa sạch, để ráo nước.
- Nha đam rửa sạch gọt vỏ và rửa sạch nhớt vàng rồi cắt thành hạt lựu, rồi đem xả dưới vòi nước để loại bỏ phần nhớt.
- Sau khi rửa, ngâm nha đam với nước lạnh pha với muối và nước cốt chanh trong khoảng 15 phút để nha đam hết đắng và trắng hơn. Sau đó, rửa sạch và để ráo nước, cho đường phèn vào ướp với nha đam, trộn đều để đường ngấm.
- Cho đậu xanh đã ngâm vào nồi cùng với nước. Nấu đến khi đậu xanh mềm nhừ thì cho phần đường phèn còn lại vào nồi, khuấy đều đến khi đường tan.
- Cho nha đam vào, khuấy đều. Khi chè sôi thêm muối và vani để món chè đậm đà và tạo mùi hương cho chè.
- Cuối cùng cho phổ tai vào khuấy đều rồi tắt bếp.
- Vị chè ngọt thanh và mát lành, kết hợp cái sần sật của nha đam, phổ tai với sự bùi bùi của đậu xanh, ăn nóng hoặc ăn lạnh đều ngon nhé.
Xem công thức và cách làm chi tiết Chè đậu xanh nha đam đường phèn
4. Salad rau càng cua
Rau càng cua là loại rau thường tự mọc dại khắp ở các chậu hoa, nếu nhà bạn có trồng cây hẳn sẽ thấy chúng mọc đầy ở trong đó. Tuy là loại rau dại, nhưng rau càng cua lại chứa một lượng lớn các chất dinh dưỡng, vitamin giúp hạn chế cơn đau đầu dai dẳng của rất nhiều người. Món salad càng cua vừa mát, giàu chất xơ lại còn chữa bệnh tốt, bạn còn chờ gì mà không lưu lại công thức này.
Nguyên liệu làm Salad rau càng cua:
- 400g Rau càng cua
- 1/4 củ Hành tây
- 200g Cà chua bi
- 3 quả Trứng vịt
- 2 muỗng Nước mắm
- 2 muỗng Đường trắng
- 2 muỗng Dầu olive
- 4 muỗng Nước cốt chanh
- 2 trái Ớt
- 3 tép Tỏi
Cách làm Salad rau càng cua:
- Rửa sạch rau càng cua, ngâm qua nước muối loãng khoảng 10 phút. Sau đó cho rau vào tủ lạnh.
- Hành tây cắt sợi mỏng, ngâm với giấm đường theo tỉ lệ 1:1:2 rồi cho vào tủ lạnh.
- Trứng luộc chín, lột vỏ cắt lát mỏng. Cà chua bi cắt đôi.
- Trộn hỗn hợp nước sốt gồm: nước mắm, đường, dầu ôliu, nước cốt chanh rồi khuấy đều. Tiếp đến cho ớt, tỏi giả nhuyễn vào trộn đều.
- Khi chuẩn bị ăn thì cho rau càng cua, hành tây, cà chua và nước sốt vào trộn đều.
- Cho rau đã trộn ra dĩa lúc này mới cho trứng vào như vậy trứng sẽ không bị vỡ nát.
Xem công thức và cách làm chi tiết Salad rau càng cua
5. Thịt viên bí đỏ sốt cà chua
Bí đỏ được mệnh danh là thực phẩm tốt cho trí não của chúng ta. Trong bí đỏ rất giàu vitamin A, sắt và các chất khác cần thiết cho não bộ. Vì vậy, những ai hay gặp phải triệu chứng đau đầu mà uống thuốc không hết, hãy bổ sung ngay bí đỏ vào bữa ăn hàng ngày của mình. Bạn sẽ phải bất ngờ vì tác dụng của bí đỏ đó.
Nguyên liệu làm Thịt viên bí đỏ sốt cà chua:
- 250g Thịt heo bằm
- 150g Bí đỏ
- 4 muỗng Sốt cà chua
- 2 muỗng Dầu ăn
- 1 muỗng Nước mắm
- 1 muỗng Hạt nêm
- 1 muỗng Đường
- 1/2 muỗng Tiêu
Cách làm Thịt viên bí đỏ sốt cà chua:
- Bí đỏ gọt vỏ, cắt khúc nhỏ, rửa sạch, cho vào nồi, luộc chín.
- Vo thịt heo bằm thành viên, ấn dẹp, cho bí đỏ vào, vo tròn lại.
- Cho dầu ăn, sốt cà chua, nước mắm, hạt nêm, đường trắng, tiêu vào nồi, khuấy đều 1 phút. Cho viên thịt heo bằm vào, nấu với lửa nhỏ.
- Khi thấy viên thịt chín đều, thấm gia vị, tắt bếp. Cho món ăn ra đĩa và ăn cùng với cơm nóng.
Xem công thức và cách làm chi tiết Thịt viên bí đỏ sốt cà chua
6. Canh giá đỗ kim chi
Trong giá đỗ có chứa nhiều vitamin A, C, E, các khoáng chất khác nhau có tác dụng chữa chứng đau hiệu quả. Một chén canh giá đỗ kim chi sẽ tốt hơn một viên thuốc đắng mà lại không có tác dụng nhiều. Vậy nên nhanh tay vào bếp chuẩn bị ngay canh giá đỗ kim chi thơm ngon, tốt cho sức khỏe đến với thành viên gia đình mình nha.
Nguyên liệu làm Canh giá đỗ kim chi:
- 1/2 lít Nước dùng thịt bò
- 280g Giá đỗ
- 230g Kim chi cải thảo
- 1 muỗng Ớt bột
- 2 muỗng Nước tương
- 1 muỗng Tỏi băm
- 1 cây Hành lá
- 1/4 muỗng Tiêu
- 1/2 muỗng Muối
Cách làm Canh giá đỗ kim chi:
- Rửa sạch giá đỗ. Kim chi cắt thành khúc.
- Cho kim chi, nước kim chi, ớt bột và nước tương vào nồi nước dùng thịt bò. Đun sôi. Nấu trong 5 phút.
- Thêm giá đỗ và tỏi băm nhỏ, đun thêm từ 3 đến 4 phút nữa. Khi giá đỗ chín, thêm hành lá và đun sôi trong 1 phút.
- Múc canh giá đỗ kim chi ra tô, ăn cùng cơm nóng và các món ă khác.
Xem công thức và cách làm chi tiết Canh giá đỗ kim chi
7. Chè đậu đen bột lọc
Ngoài đậu xanh, đậu đen cũng là loại đậu cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Không chỉ vậy, đậu đen còn thường được dùng làm món ăn chữa bệnh đau đầu mang đến hiệu quả cực tốt. Với những ai vẫn còn đang chật vật với cơn đau đầu thì hãy nấu ngay cho mình một chén chè đậu đen bột lọc, vừa giúp giảm bớt cơn đau vừa là món ăn vặt bổ dưỡng.
Nguyên liệu làm Chè đậu đen bột lọc:
- 250g Đậu đen
- 2 lít Nước
- 280g Đường trắng
- 130g Bột năng
- 200ml Nước cốt dừa
- 1/3 muỗng Muối
Cách làm Chè đậu đen bột lọc:
- Đậu đen ngâm qua đêm. Nấu đậu đen với nước ở lửa vừa, khoảng 25 đến 30 phút cho đường vào khuấy tan đường, tắt bếp bắc nồi xuống để riêng.
- Lấy bột năng cho vào tô, thêm nước nóng vào nhồi bột thành khối mềm mịn. Phủ bột khô ra mặt phẳng nhồi bột và vo viên từng viên nhỏ như hạt sen hoặc tùy kích thước bạn muốn.
- Cho nước vào nồi nấu đến sôi thì cho bột lọc vào luộc chín rồi vớt ra tô. Sau đó cho vào bột lọc 1 muỗng canh đường trắng, trộn đều.
- Cho nước cốt dừa,đường trắng, muối, bột năng vào nồi rồi khuấy đều hỗn hợp trên bếp. Nấu đến khi nước cốt sệt theo ý thích thì tắt bếp.
- Bày biện đậu đen, bột lọc và nước cốt dừa ra. Cho từng loại vào chén theo sở thích của mình và thưởng thức.
Xem công thức và cách làm chi tiết Chè đậu đen bột lọc
8. Nước mía nấu củ năng
Mía không chỉ được biết đến là loại cây giúp giải khát, thanh nhiệt vào những ngày hè oi bức mà mía còn là vị thuốc chữa đau đầu hiệu quả. Với những món ăn được nấu từ mía sẽ mang đến cho bạn một vị thuốc tốt còn hơn cả những viên thuốc đắng bạn mua ngoài tiệm. Chỉ cần một ly nước mía củ năng là đã giải quyết ngay được cơn đau đầu dai dẳng rồi đó.
Nguyên liệu làm Nước mía nấu củ năng:
- 1/2 cây Mía lau
- 200g Củ năng
- 50g Đường phèn
Cách làm Nước mía nấu củ năng:
- Mía róc sạch vỏ, cắt thành từng miếng nhỏ. Củ năng gọt hết, cắt miếng vừa ăn.
- Cho mía, củ năng, đường phèn cùng nước rồi đun sôi. Hạ nhỏ lửa và đun thêm khoảng 30 phút thì tắt bếp.
- Nước mía củ năng có thể uống nóng hay lạnh đều được nhé.
Xem công thức và cách làm chi tiết Nước mía nấu củ năng
Vậy là với 8 gợi ý món ăn giúp chữa chứng đau đầu, chóng mặt từ các loại thực phẩm giàu dưỡng chất như bí đỏ, đậu đen, đậu xanh, rau càng cua,... Cooky hi vọng sẽ giúp ích cho bạn trong việc giảm được cơn đau đầu dai dẳng.
Có thể tham khảo: