Sữa mẹ là nguồn chất dinh dưỡng không thể thiếu đối với trẻ nhỏ - đặc biệt là trẻ mới sinh. Sau khi sinh, các mẹ thường nặn sữa ra và để dành vì sữa ra nhiều, trẻ không bú hết được nên cần lấy ra để không ảnh hưởng đến ngực của mẹ. Vậy sữa đã hút ra để được bao lâu? Chúng ta cùng tìm hiểu cách bảo quản sữa mẹ đúng để các mẹ mới sinh biết nha.
Sữa mẹ có lợi ích như thế nào?
- Chắc hẳn tất cả chúng ta đều hiểu được tầm quan trọng của sữa mẹ đối với trẻ mới sinh. Vì trong sữa mẹ có chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để trẻ có thể phát triển tốt, lớn nhanh và khỏe mạnh hơn.
- Trong sữa mẹ cực dồi dào vitamin D, A, i-ốt, các axit béo cần thiết và luôn dồi dào nguồn DHA cho trẻ.
- Điều làm nên sự đặc biệt của sữa mẹ chính là mỗi một bà mẹ sẽ có nguồn sữa khác nhau và không ai là giống ai cả, thậm chí cũng không có một công thức cụ thể nào có thể làm ra nguồn sữa mẹ y hệt như vậy. Đồng thời, sữa mẹ còn biến đổi sau mỗi lần trẻ bú, hoặc thay đổi tùy nơi sinh sống của người mẹ, tùy thuộc vào điều kiện khí hậu và hàng ngàn những nguyên nhân khác để có được nguồn dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu phát triển của trẻ.
Cách bảo quản sữa mẹ được lâu
Hiện nay, có rất nhiều bà mẹ thường vắt sữa ra để dành cho trẻ bú dần vì khong có nhiều thời gian cho con bú, do sữa về lượng nhiều hơn nhu cầu của trẻ sau 4 - 5 ngày sau sinh thì nên vắt nếu không sẽ gây sốt và đau nhức cho mẹ hoặc trong thời kì khủng hoảng tiết sữa.
1. Sữa mẹ sau khi vắt để được bao lâu trong tủ lạnh?
Sữa mẹ sau khi vắt không nên bảo quản ở nhiệt độ quá cao, vì nhiệt độ càng cao sữa càng nhanh hỏng và nhiệt độ càng thấp càng để được lâu hơn.
- Ở nhiệt độ phòng (trên 29 độ C): sữa mẹ để được tối đa 1 giờ và không nên để lâu hơn rồi cho trẻ bú nha.
- Ở nhiệt độ phòng có dùng máy lạnh dưới 26 độ C: có thể giữ tối đa khoảng 6 giờ. Sau thời gian này, sữa sẽ hư nhanh chóng đấy.
- Dùng túi đá khô: có thể giữ được 24 giờ.
- Trong ngăn mát tủ lạnh: bảo quản sữa được tối đa 48 giờ.
- Trong ngăn đông tủ lạnh loại nhỏ, 1 cửa: sữa bảo quản được nhiều nhất là 2 tuần.
- Trong ngăn đông tủ lạnh 2 cửa, có cửa riêng của ngăn đá: bào quản sữa tối đa được 3 tháng.
- Dùng tủ đông chuyên dụng (để trữ đông riêng thực phẩm): có thể bảo quản sữa lên đến 6 tháng.
Vì vậy, tùy thuộc vào loại tủ lạnh các mẹ đang sử dụng tại nhà mà có thể bảo quản sữa được trong bao lâu nha.
2. Nên bảo quản sữa mẹ bằng dụng cụ nào?
- Để có thể đảm bảo chất lượng sữa không giảm trong quá trình bảo quản, các mẹ mới sinh cần có dụng cụ bảo quản sữa đúng cách và nên dùng máy hút sữa nha.
- Trên thị trường hiện nay, người ta thường dùng túi trữ sữa chuyên dụng, loại túi này có in sẵn dung tích cho từng túi để các mẹ có thể theo dõi lượng sữa được vắt ra. Hoặc cũng có thể dùng lọ nhựa đựng chuyên dụng.
- Các loại này thường có bán ở các cửa hàng đồ dùng cho trẻ, các mẹ có thể tìm đến mua. Có rất nhiều loại túi khác nhau như túi dùng một lần, túi trữ sữa có cảm ứng nhiệt…
Túi bảo quản sữa chuyên dụng
Bình trữ sữa chuyên dụng
3. Cách sử dụng sữa mẹ sau khi trữ đông
- Đối với những túi sữa được để trong ngăn mát tủ lạnh, các mẹ chỉ cần lấy ra và để cho sữa tự bớt lạnh. Nếu muốn sữa nhanh hết lạnh và ấm hơn, có thể cho túi vào ngâm trong nước ấm.
- Với sữa để ở ngăn đông, đầu tiên nên đem sữa xuống ngăn mát cho rã đông bớt, tan dần. Khi sữa tan hết thì lấy ra hâm nóng sữa đến khoảng 40 độ (không để sữa sôi, khi thử sữa cảm thấy sữa ấm nóng là được). Cũng có thể dùng máy hâm sữa, còn nếu không có thì bạn có thể cho trẻ dùng sữa nguội hoặc ngâm tron nước ấm. Tuyệt đối không hâm nóng sữa trong lò vi sóng. Vì việc thay đổi đột ngột nhiệt độ sữa mẹ sẽ khiến sữa mất hết chất dinh dưỡng và các kháng thể cần thiết cho trẻ. Do đó, không nên cố làm tan sữa nhanh chóng bằng bất cứ cách nào.
- Sữa đã trữ lạnh khi cho ra nhiệt độ bên ngoài cũng không nên để quá 24 giờ.
4. Khi sữa mẹ trữ đông có mùi lạ
- Sữa sau khi được trữ đông và lấy ra sử dụng, nhiều mẹ thường nghe có mùi tanh, mùi mỡ hay thậm chí là mùi xà phòng và nghĩ là sữa đã bị hư, có vấn đề rồi đổ bỏ mất. Tuy nhiên, đó không phải là do sữa hư, các mẹ không cần phải lo lắng. Thật ra đây chỉ là do các enzym lipase tác động làm bẻ gãy các chất béo có trong sữa khi được bảo quản ở nhiệt độ thấp.
- Các mẹ vẫn có thể cho trẻ dùng bình thườn mà không có vấn đề gì đâu nha. Nếu như trẻ không chịu thì mẹ có thể áp dụng cách sau để giúp sữa không còn mùi lạ nữa nhé. Nhưng cần lưu ý là cách này chỉ dùng đến khi trẻ không chịu dùng thôi nha.
Sau khi hút sữa mẹ ra, đem hâm nóng đến 72 độ C để đảm bảo các enzym lipase không còn khả năng hoạt động. Sau đó, cho sữa vào túi hay bình trữ và bảo quản trong tủ lạnh như bình thường. Với cách này, sữa sẽ mất đi một số chất dinh dưỡng cần thiết vì vậy các mẹ nên lưu ý khi chọn cách này nha.
Một số lưu ý khi dùng sữa mẹ đã trữ đông
- Sữa đã được trẻ dùng không nên để lại và bảo quản trong tủ lạnh. Vì lúc này sữa đã dính nước bọt của trẻ, sữa đã bị nhiễm khuẩn, nếu vẫn giữ lại và bảo quản để dùng tiếp thì chắc chắn sữa sẽ bị hư, không thể dùng được.
- Để tiết kiệm túi trữ sữa và không để cho sữa bị bảo quản quá lâu, các mẹ có thể vắt sữa khi nào đến cử và không cần phải cố sức để vắt hết một lần đâu nhé.
- Lưu ý không trộn sữa mẹ mới vắt và sữa đã trữ đông.
- Mỗi lần trữ sữa, các mẹ nên dùng bút ghi lại trên túi hay bình trữ thời gian vắt sữa để có thể theo dõi thời gian bảo quản.
- Tuyệt đối không dùng túi nhựa hay bình nhựa chưa qua khử trùng.
Hi vọng những thông tin này hữu ích với các mẹ vừa mới sinh hay mẹ bầu đang chuẩn bị sinh để tham khảo nha!