Do nhu cầu về dinh dưỡng của mỗi đứa trẻ trong từng độ tuổi rất khác nhau, không thể áp dụng một chế độ dinh dưỡng cho mọi đứa trẻ nên mỗi độ tuổi trẻ lại được thiết kế một chế độ dinh dưỡng khác nhau. Dinh dưỡng cho trẻ luôn có sự thay đổi để đáp ứng sự phát triển mỗi ngày của cơ thể. Hãy cùng Cooky tìm hiểu chế độ dinh dưỡng của trẻ ở từng giai đoạn để xây dựng thực đơn phù hợp cho con trẻ, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện nhất nhé!
Giai đoạn 0 – 6 tháng tuổi
Trong giai đoạn này, thức ăn chủ yếu của trẻ là sữa mẹ. Đây là nguồn dinh dưỡng tốt nhất và dễ hấp thụ nhất, cung cấp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho trẻ trong giai đoạn này mà không cần dùng thêm bất kỳ loại thực phẩm nào khác.
Trẻ hoàn toàn dùng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Chính vì thế các bà mẹ cần được bổ sung nhiều chất dinh dưỡng để sữa được tốt. Tuy nhiên, từ khoảng sau 4 tháng tuổi, trẻ cũng có thể được bổ sung thêm sữa ngoài theo công thức khoa học.
Mỗi đứa trẻ có một nhu cầu cá nhân riêng về việc ăn, ngủ. Ở giai đoạn này, trung bình mỗi ngày, trẻ bú mẹ từ 6 đến 11 lần tùy theo nhu cầu và thể trạng riêng. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng mẹ nên để trẻ bú theo nhu cầu, cho bú ngay khi trẻ đòi ăn và không nên áp đặt thời gian máy móc, sẽ làm ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.
Giai đoạn 6 - 9 tháng tuổi
Nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ không đủ bởi trẻ cần nhiều năng lượng hơn để vui chơi, tập đi đứng và nói chuyện. Dấu hiệu mọc răng cũng xuất hiện, chính vì vậy, giai đoạn này có thể cho trẻ ăn dặm thêm và bắt đầu cần có chế độ dinh dưỡng rõ ràng, đảm bảo đủ chất để phát triển toàn diện.
Trong giai đoạn này bữa ăn của trẻ được ước tính vào khoảng 6 bữa/ngày, trong đó bao gồm 4 – 5 bữa sữa (470 - 1090 ml) và 1 – 2 bữa ăn dặm, điều chỉnh tùy vào nhu cầu của các bé. Khi chế biến thức ăn dặm cho bé, không nên thêm gia vị vì nó có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thận. Với những món cháo, nấu gạo và nước theo tỷ lệ 1:7 và kết hợp với các loại thịt, cá, rau củ,...
Rau củ quả nghiền là loại thực phẩm tốt nhất để bắt đầu quá trình ăn dặm của trẻ. Trẻ có thể tiêu hóa một vài loại rau củ đơn giản như cà rốt, khoai tây, củ cải đường, bí đỏ,... Bên cạnh đó kết hợp với các loại thịt lành tính như thịt gà, thịt heo, tôm, cua, lươn,...Bổ sung vitamin cho trẻ bằng các loại trái cây mềm như chuối, bơ, kiwi, dâu, đu đủ,...
Giai đoạn 9 - 12 tháng tuổi
Bước sang giai đoạn này, trẻ có thể tự ăn mà không cần sự giúp đỡ của người lớn. Bữa ăn của trẻ cũng dần khớp với bữa ăn của gia đình. Sữa mẹ không còn là bữa chính, việc cho trẻ ăn đa dạng các nhóm thực phẩm và đổi mới thường xuyên là rất cần thiết. Chế độ dinh dưỡng một ngày của trẻ ở lứa tuổi này là 3 bữa ăn chính xen kẽ 3 - 4 cữ bú mẹ (300 - 620 ml).
Ở giai đoạn này, ngoài cháo và bột, có thể cho trẻ tập ăn thêm các loại thức ăn mềm khác như bún, phở, mì, nui và cơm nhão. Các món ăn phụ cũng nên được bổ sung vào khẩu phần của trẻ như sữa chua, bánh ngọt,...
Giai đoạn 12 - 18 tháng tuổi
Trẻ bắt đầu sử dụng thìa, nĩa và có thể dễ dàng tự ăn bằng tay. Chế độ ăn của trẻ vẫn duy trì 5 bữa/ngày với 3 bữa chính và 2 bữa phụ, mỗi bữa cách nhau khoảng 2 - 3 giờ, trong đó bữa sáng là quan trọng nhất bởi nó quyết định đến sự phát triển của trẻ.
Do sữa bò có hàm lượng đạm và khoáng chất cao, hệ tiêu hóa của trẻ đến giai đoạn này mới sẵn sàng để hấp thụ và tiêu hóa được sữa bò. Tuy nhiên, vẫn nên cho trẻ uống sữa mẹ với khẩu phần 2 - 3 cữ một ngày (500 - 750 ml). Từ 12 tháng tuổi trở đi, trẻ đã có thể ăn được các loại thức ăn dạng đặc và giòn. Mỗi bữa ăn của trẻ phải có ít nhất 4 nhóm thực phẩm: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Các loại thức ăn cũng trở nên đa dạng hơn về chủng loại và cách chế biến.
Một số món ăn tốt cho trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi
1. Súp tôm bông cải xanh
Các loại rau có màu xanh đậm luôn được khuyến khích cho trẻ sử dụng bởi chúng giàu dinh dưỡng tốt cho trẻ. Súp tôm bông cải xanh bổ sung canxi, vitamin và chất xơ, tốt cho hệ tiêu hóa non nớt của trẻ. Đây cũng là một món ăn thơm ngon, phù hợp cho trẻ 6 tháng tuổi tập làm quen với các loại thực phẩm mới.
Xem chi tiết công thức món Súp tôm bông cải xanh
Ngoài bông cải xanh, các loại rau có màu xanh đậm tốt cho trẻ có thể kể đến như: rau ngót, rau cải, mùng tơi,...Các mẹ nên lưu ý chọn mua rau sạch, sơ chế kỹ càng trước khi nấu cho trẻ. Ngoài súp tôm bông cải xanh, các mẹ còn có thể tham khảo thêm các món từ rau xanh cho trẻ như cháo thịt heo rau ngót, cải bó xôi và khoai tây nghiền, soup bông cải xanh thịt bò, cháo cá nấu đọt mồng tơi,...
2. Ruốc cá hồi
Cá hồi nổi tiếng với lượng DHA dồi dào, tốt cho sự phát triển trí não của trẻ. Ruốc cá hồi bảo quản được lâu ở nơi thoáng mát, lại dễ thực hiện. Trong thời kỳ ăn dặm, các mẹ nên bổ sung món ăn này vào thực đơn của trẻ, dùng để ăn kèm với cháo, soup hoặc dùng như một món ăn chơi để trẻ làm quen với đa dạng mùi vị.
Xem chi tiết công thức làm Ruốc cá hồi
3. Cháo đậu Hà Lan
Đậu Hà Lan là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, cung cấp ít nhất 8 loại vitamin và 7 khoáng chất, ngoài ra lại còn giàu chất xơ và protein tốt cho hệ tiêu hóa. Vì vậy, đậu Hà Lan rất thích hợp để nấu cháo cho trẻ.
Xem chi tiết công thức món Cháo đậu Hà Lan
Không chỉ riêng đậu Hà Lan, các loại đậu khác cung cấp cho trẻ lượng protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất mà không hề có chất béo. Chính vì thế, đậu luôn được các mẹ sử dụng tương đối nhiều trong thực đơn của trẻ.
Tham khảo thêm công thức các món ăn dặm từ đậu mà trẻ luôn thích:
- Cháo cá hồi đậu đỏ
- Cháo đậu cove
- Soup đậu nành, táo tàu và cây kỷ tử
- Soup đậu gà
- Soup đậu Hà Lan kem sữa tươi
- Soup đậu trắng khoai tây
- Cháo đậu xanh hạt sen
4. Súp nấm mỡ kem sữa
Với mùi thơm lôi cuốn, vị ngon ngọt khá giống thịt, nấm là loại thực phẩm hấp dẫn, dễ ăn, lại giàu dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ. Nấm không nằm trong danh sách thực phẩm cấm dùng cho trẻ em ăn dặm hay thực phẩm dễ gây dị ứng. Tuy nhiên, để cho chắc chắn, cha mẹ có thể bắt đầu cho con ăn nấm khi bé được 10-12 tháng tuổi trở đi.
Xem chi tiết công thức món Súp nấm mỡ kem sữa
Ngoài nấm, các loại rau củ như bí đỏ, khoai lang, khoai tây, cà rốt kết hợp với sữa tươi, tôm, cua, thịt bằm,... rất tốt cho hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ.
Tham khảo bộ sưu tập 40+ ý tưởng ăn dặm cho trẻ dưới 1 tuổi
Quy tắc cho mọi lứa tuổi
Lựa chọn thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ ở mọi lứa tuổi phụ thuộc vào các bà mẹ, chính vì thế, mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thiết lập và củng cố những thói quen ăn uống cho trẻ. Để tạo cho trẻ những thói quen tốt, cần lưu ý những điều sau đây:
- Cho trẻ tham gia vào việc lên kế hoạch và chuẩn bị bữa ăn
- Cho trẻ cùng tham gia bữa ăn gia đình một cách thường xuyên. Bữa cơm sum họp tạo sợi dây liên kết cho trẻ với các thành viên trong gia đình.
- Tăng sự đa dạng các món ăn trong thực đơn bất cứ khi nào có thể và tiếp tục cung cấp các loại thực phẩm tốt cho trẻ.
- Dự trữ nhiều loại thực phẩm dinh dưỡng lành mạnh và trong bếp và tủ lạnh. Không mua những loại thức ăn không lành mạnh.
Một chế độ dinh dưỡng hoàn hảo sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần. Hi vọng những thông tin trong bài sẽ giúp các mẹ có thêm kiến thức nền tảng, xây dựng cho bé yêu một chế độ dinh dưỡng hợp lý nhất, hoàn thiện nhất.