Nằm ngữa, không dám đi vệ sinh, cật lực ăn nhiều thịt cá… là những chuyện nguy hiểm mẹ thường làm sau sinh mổ!
Sinh mổ tuy giúp mẹ không phải trải qua cuộc vượt cạn thập tử nhất sinh như khi sinh thường, nhưng không phải là không có nguy hiểm. Sau khi mẹ tròn con vuông, mẹ vẫn cần có nguyên tắc điều dưỡng phù hợp, trong khi rất nhiều người mắc phải quan niệm sai lầm và có những thói quen nguy hại cho chính mình sau kỳ sinh mổ.
Nguy hiểm 1: Nằm ngửa
Sau sinh, thuốc tê dần dần hết tác dụng sẽ làm tăng cơn đau cho vết mổ. Trong khi đó, nằm ngửa khiến mức độ đau khi tử cung co thắt nặng nề hơn, vì vậy tốt nhất là bạn nên chọn tư thế nằm nghiêng. Sau khi sinh khoảng 6 giờ thì có thể dùng gối kê đầu và nằm nghiêng, có thể kê thêm chăn hay tấm thảm bông ở dưới lưng, giúp cơ thể tạo một góc 20 - 30 độ so với giường. Cách này có thể giảm bớt chấn động và cảm giác đau do xê dịch đối với vết mổ.
Ngoài ra, khi ống dẫn nước tiểu và dịch truyền được cố định ổn thỏa, bạn có thể thỉnh thoảng mát xa nhẹ nhàng vị trí tử cung, quan sát mức độ co thắt và tình trạng máu thoát ra ở vùng kín.
Sau sinh mổ, khi đã phục hồi tri giác, bạn nên cố gắng cử động cơ thể. 24 giờ sau sinh, bạn có thể tập trở mình, ngồi dậy và xuống giường đi lại chậm rãi, nhẹ nhàng giúp đường ruột ổn định lại và “thải khí” ra, hồi phục chức năng ăn uống và giúp mẹ tiết sữa cho bé bú.
Nguy hiểm 2: Không dám đi vệ sinh
Sau ca mổ, do sợ động vết thương và cảm giác đau đớn khó chịu, rất nhiều mẹ không dám bước xuống giường dù có nhu cầu đi vệ sinh, thậm chí có người còn nhịn ăn nhịn uống để khỏi tiểu tiện, đại tiện. Kỳ thực, hành động này không hề có lợi cho sức khỏe của mẹ sau sinh.
Cũng do cơn đau từ vết mổ khiến phần bụng rất khó khăn khi phải dùng sức, quá trình đi vệ sinh không được thuận lợi, dễ tạo thành hiện tượng tiểu són và táo bón, nếu có búi trĩ thì tình hình có thể biến chứng nặng hơn. Do đó, dù không mấy dễ chịu với cơn đau nhưng khuyến khích mẹ sau sinh mổ vẫn nên tập thói quen đi tiểu tiện, đại tiện đúng giờ, có quy luật.
Thông thường, ngày thứ hai sau sinh, khi dịch tiết từ tĩnh mạch đã ngưng, ống dẫn nước tiểu sẽ được rút ra khỏi cơ thể. Sau đó khoảng 3 - 4 giờ bạn nên tiến hành tiểu tiện để hồi phục hoạt động thải nước tiểu tự nhiên vốn có. Nếu quá trình đi vệ sinh này gặp trở ngại, tiểu không được thì cần báo cho bác sĩ chuyên môn để có biện pháp làm thông đường tiểu, tránh tình trạng bị viêm nhiễm đường tiết niệu.
Chú ý trước khi xuống giường, bạn có thể dùng đai để cố định phần bụng, che chắn vết mổ, một tay đỡ nhẹ bụng, một tay vịn tường và tập bước đi dần dần đến nhà vệ sinh.
Nguy hiểm 3: Tắm ngồi hoặc tắm bồn
Trong thời gian ở cữ, mỗi ngày bạn nên dùng nước ấm vệ sinh sạch sẽ các chất dịch tiết ra ngoài âm hộ, đảm bảo không viêm nhiễm và ẩm thấp cho vùng kín. Thông thường sau khi sinh mổ khoảng một tuần, bạn có thể tắm rửa, gội đầu trở lại nhưng cần đặc biệt chú ý, tuyệt đối không tắm kiểu ngồi hay tắm trong bồn để tránh nước bẩn, dung dịch xà phòng, chất tẩy rửa v.v… dễ đi vào cơ quan sinh dục gây viêm nhiễm.
Ngoài ra, sở thích tắm bồn sau sinh còn dễ khiến các vi khuẩn bám trong bồn hay các vật tiếp xúc xung quanh đi vào âm đạo hoặc ảnh hưởng tới da, gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe còn chưa hồi phục của mẹ.
Một lưu ý khác là thực tế nếu sinh mổ thì trước khi cắt chỉ vết mổ, tốt nhất là bạn không nên tắm để duy trì sự khô thoáng, sạch sẽ cho vết thương. Khoảng thời gian này, bạn có thể dùng nước ấm lau người hoặc nếu bác sĩ có biện pháp bảo vệ vết mổ khỏi thấm nước thì có thể tắm nhẹ nhàng.
Nguy hiểm 4: Cật lực ăn nhiều thịt cá
Rất nhiều người cho rằng sau sinh mổ sẽ khiến cơ thể mất nhiều máu, vì vậy trong thời gian ở cữ luôn cố gắng ăn thật nhiều, đặc biệt là thịt cá để bù đắp dinh dưỡng. Tuy thực tế đúng là cơ thể người mẹ sẽ tiêu hao nghiêm trọng sau kỳ sinh, cần bù đắp dinh dưỡng trong thời gian sớm nhất, nhưng điều này không có nghĩa là bạn dung nạp một lượng lớn thịt, cá như vẫn nghĩ. Ăn quá nhiều các món giàu đạm này rất dễ dẫn đến chứng táo bón, mỡ cao trong sữa mẹ, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả em bé vì bé dễ bị tiêu chảy.
Do đó, thức ăn sau sinh mổ nên chế biến thanh đạm, không nên ăn thức ăn nhiệt lượng cao trong thời gian quá sớm. Đặc biệt trong một tuần đầu sau ca mổ, bạn nên tránh các thực phẩm như trứng sữa, đồ lên men để tránh đầy hơi. Sau một tuần thì có thể bắt đầu ăn cá, trứng, thịt, sữa tươi để hỗ trợ tái tạo các tổ chức vùng bụng của cơ thể. Ngoài ra, bạn không nên uống các chất kích thích như cà phê, trà, bia rượu, đồ cay v.v…
Chú ý trong hai tuần sau sinh mổ, dù có thể ăn các món chế biến từ thịt, cá nhưng nên hạn chế liều lượng do chức năng của dạ dày, đường ruột còn chưa phục hồi hoàn chỉnh, tốt nhất là nên nấu chín và ăn các món canh để bớt gánh nặng tiêu hóa.
Sinh mổ thường được kiêng cữ hơn so với sinh thường, nên các mẹ nhớ chú ý đừng để sức khỏe sau sinh tệ đi nhiều nhé!
Nguồn: Emdep.vn