Củ niễng! Bạn đã nghe đến cái tên này bao giờ chưa? Với những người miền Bắc thì thực sự nó không có gì lạ, nhưng với những người vùng miền khác thì có lẽ đây là một loại cây còn khá xa lạ đấy!
Củ niễng là cây như thế nào? Nó có bao nhiêu loại? Mọc ở đâu? Mùa nào thì thu hoạch? Củ niễng chế biến được những món ăn gì? Dù bạn là người đã biết hay chưa biết thì hãy cùng Cooky để tìm hiểu thêm những thông tin về loại cây này nhé!
Cánh đồng niễng
Củ niễng có cấu tạo thế nào?
Là cây thảo sống nhiều năm, mọc ngập trong nước hay chỗ nhiều bùn. Có thân rễ rất phát triển, thân đứng cao tới 1-2m, phần dưới gốc to xốp. Lá phẳng, thuôn hình dải, dài 30-70cm, rộng 2-3cm, cả hai mặt đều ráp, hai mép dày hơn. Bẹ lá nhẵn, khía rãnh. Lưỡi bẹ hình bầu dục, ở nách các lá có những chồi, đến mùa sẽ đâm ra các lá. Cụm hoa chuỳ hẹp, dài 30-50cm, cuống chung khoẻ, phân nhánh nhiều, mang bông nhỏ đực ở trên, bông nhỏ cái ở dưới, hoa đực có 6 nhị với chỉ nhị ngắn, hoa cái có bầu với đầu nhuỵ dài.
Củ niễng đực
Có mấy loại củ niễng
Người dân địa phương gần khu vực có nhiều niễng thường chia niễng thành 2 loại: Đó là củ niễng đực và củ niễng cái. Niễng đực, phần dưới thân phình to, củ to, chắc hơn niễng cái.
Thân cây thường bị một giống nấm Ustilago esculentum hennings (esculenta = ăn được) ký sinh, làm phần thân đó phồng lên, mang nhiều đốm đen, cấu tạo bởi bào tử của nấm. Chính bộ phận thân non bị nấm ký sinh được hái bán với tên củ niễng để xào nấu vào những tháng 9, 10, 11 đến các tháng 1 - 2 năm sau. Phần này có đường kính 2,5 - 3cm dài 5 - 7,5cm. Do bị nấm ký sinh, củ niễng (đúng ra chỉ là mầm non) trở thành bùi và béo.
Củ niễng có thân phồng to, xốp, mềm, hình chùy dài
Cây niễng mọc ở đâu? Mùa nào thì thu hoạch?
Nguồn gốc của nó ở Đông Xibia, được trồng ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và những nước Châu Á. Ở Việt Nam, được trồng ở ngoại thành Hà Nội lấy củ làm rau ăn. Trồng niễng bằng mầm tách ở gốc ra, cách nhau 50 - 60 cm. Cây niễng mọc hoang hay được trồng ngoài đầm nước, góc ao nhà. Cuối tháng chín, đầu tháng mười âm lịch lá niễng đã khô lại, để phần thân dưới phình to lên thành củ. Người ta bóc những chiếc lá niễng khô xác, bẻ lấy củ niễng xanh đậm hoặc tím ngắt.
Niễng mọc hoang hoặc được trồng ở đầm nước, góc ao
Những nơi trồng niễng đến mùa thu hoạch, chợ làng bày bán những chùm niễng được bó khoảng dăm bảy củ mập mạp. Nhẹ tay bóc lớp bẹ vỏ xốp đi, những củ niễng trắng tươi nõn nà nhìn thật thích mắt. Bọn trẻ chăn trâu thích nhai rau ráu những củ niễng non nhỏ vừa bẻ dưới đầm. Vị ngọt mát tươi lành chẳng thể quên. Lũ chuột đồng cũng thích lắm và không bẻ kịp là chúng gặm củ nham nhở.
Công dụng của củ niễng
- Theo Baomoi.com - Rễ củ niễng hay được dùng trong đông y, nó có tính lạnh (hàn), vị ngọt (cam), có tác dụng chữa khát, tiêu phiền điều dạ dày và ruột.
- Theo Suckhoedoisong.vn - Củ niễng dùng chữa sốt , lỵ trẻ con và còn được dùng làm thực phẩm.
- THeo Vietnamplus.vn - Củ niễng rất mát, bổ dưỡng, giàu chất đạm, nhiều tinh bột, giàu chất xơ. Các thầy thuốc Đông y thường dùng củ niễng để chế tác các thang thuốc chữa trị xơ gan, đái tháo đường, bổ thận, bệnh tim.
- Theo Baithuochay.net - Y học hiện đại cho rằng, thường xuyên ăn củ niễng có thể phòng bệnh tăng huyết áp, ngăn chặn xơ vữa động mạch, đặc biệt là có hiệu quả trị liệu nhất định đối với bệnh xơ cứng gan, urê máu cao.
Lưu ý: Không ăn củ niễng với mật ong (Theo baithuochay)
Củ niễng chế biến được những món ăn gì?
Củ niễng tươi ngọt nên xào hành thôi cũng đủ ngon. Củ niễng có thể xào với thịt bò, thịt nạc, tim cật… hay chỉ cần đập thêm quả trứng cũng hấp dẫn lắm rồi. Đúng vị và cao cấp nhất là xào củ niễng với rươi. Mùa niễng chín cũng đúng mùa rươi ngoài vùng nước lợ và đó là món ăn sành điệu của người chốn kinh kỳ. Hay dễ dàng và đơn giản hơn cho những bữa cơm vừa nhanh vừa tiện lợi cho ngày bận rộn như:
Củ niễng xào trứng
Củ niễng xào bò
Bữa cơm mùa se se lạnh có món củ niễng xào bỗng nhiên trở nên ấm cúng lạ thường bởi một hương vị đặc biệt.
Ai đó có dịp thưởng thức vẻ "đặc trưng" của củ niễng. Hãy một lần ghé qua Cooky và cùng chia sẻ với mọi người nhé!
Tổng hợp