Tết nguyên đán và mâm cỗ Tất niên đối với người Việt mà nói là ngày có ý nghĩa quan trọng với mỗi gia đình. Là ngày cả nhà sum vầy bên nhau, chờ đón mâm cơm đoàn tụ bên những người ở xa, chia sẻ với nhau những câu chuyện đã qua trong năm cũ và cùng chào đón năm mới đầy ấm áp. Nhưng có lẽ giới trẻ ngày nay có lẽ hơi thiếu quan tâm đến điều này.
Cùng ôn lại Mâm Cỗ Tất Niên của Tết nguyên đán với các món truyền thống nào!
Bữa cơm Tất Niên - nét văn hóa của người Việt
Nhà sử học Dương Trung Quốc từng cho rằng: "Bữa cơm tất niên không phải nghi lễ ngày Tết song đó là phong tục của người dân Việt Nam. Đây không phải là lễ bắt buộc nên có nhiều nhà không có bữa cơm này, song là dịp cần thiết để mỗi gia đình sum họp, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, gặp gỡ những người con cháu ở xa sau một năm”.
Bên cạnh bài cúng Tất niên, thì bữa cơm tất niên là nét văn hoá đã in đậm trong tâm trí nhiều người Việt và trở thành sợi dây liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình mỗi khi Tết đến, xuân về".
Ý nghĩa của bữa cơm Tất Niên
Trong dịp Tết nguyên đán, bữa cơm tất niên mang ý nghĩa tư tưởng truyền thống sâu sắc. “Mùi Tết” ấm áp từ bữa cơm tất niên lan tỏa là thời khắc tình cảm con người tuôn trào, không chỉ có vậy bữa cơm tất niên còn có nhiều ý nghĩa tâm linh. Theo quan niệm truyền thống bữa cơm cuối cùng của năm là để tiễn biệt năm cũ, ăn xong người ta sẽ bỏ qua mọi muộn phiền của năm cũ, những giận hờn cũng sẽ xóa bỏ từ đây. Mâm cơm tất niên còn là tục lệ truyền thống rước ông Công ông Táo về lại nhà coi sóc việc bếp núc của gia chủ. Ngoài ra, đây cũng là bữa cơm để con cháu thể hiện tấm lòng tôn kính, hiếu thảo với những người đã khuất trong gia đình. Có thể ra mộ của bậc trên đã khuất thăm hương với mong muốn rước ông bà tổ tiên về cùng ăn tết với gia đình hoặc cũng có thể thắp hương cúng tất niên ngay tại gia đình.
Mâm lễ cúng Tất Niên và các món ăn truyền thống theo miền
Lễ tất niên thường được tiến hành vào chiều ngày 30 Tết. Trong ngày 30 Tết, nhà nhà đều dọn dẹp để chuẩn bị đón Tết. Sau khi công việc chuẩn bị cho gia đình một cái Tết đầm ấm, thiêng liêng, vui vẻ xong thì phải chuẩn bị mâm cỗ cúng Tất niên.
Mâm lễ cúng Tất niên thường gồm:
- Hương hoa, vàng mã
- Đèn nến
- Trầu cau
- Rượu
- Bánh chưng
- Cỗ mặn với đầy đủ các món ăn ngày Tết, được chế biến thơm ngon, tinh khiết, bầy biện đầy đặn, trang nghiêm.
Món ăn truyền thống mâm cỗ Tất Niên miền Bắc:
Trước đây, mâm cỗ miền bắc nói chung và mâm cỗ tất niên nói riêng bao giờ cũng đủ sáu bát: măng, bóng, mực, nấm thả, miến, mọc. Tám đĩa: thịt gà luộc, giò lụa, chả quế, trứng muối, dưa hành, bánh chưng, lòng gà xào dứa và cá kho. Hiện nay, mâm cỗ Tết miền Bắc theo đúng bài bản, thường thì 4 bát, 4 đĩa. Cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa…có khi mâm cỗ lớn phải xếp cao đến 2, 3 tầng.
-
Bốn bát, bốn đĩa gồm: bát giò heo hầm măng, lưỡi lợn, bát bóng thả, bát miến, bát mọc.
-
Bốn đĩa gồm: đĩa thịt gà, đĩa thịt heo, đĩa giò lụa, đĩa chả quế.
Món ăn truyền thống mâm cỗ Tất Niên miền Trung:
Các món ăn truyền thống miền Trung trong dịp Tết nguyên đán cũng tương tự miền Bắc. Bên cạnh đó hay có bánh chưng, bánh tét, giò lụa, gà bóp rau răm, thịt heo luộc, giá chua…
Món ăn truyền thống mâm cỗ Tất Niên miền Nam:
Mâm cỗ tất niên miền Nam hay có bánh tét, thịt kho tàu, gỏi tôm thịt, canh khổ qua nhồi thịt, chả giò…
Ðầy đủ các món ăn là vậy bởi quanh năm chỉ có ngày Tết mới được thưởng thức nhiều món như vậy, bên cạnh đó mâm cỗ Tết còn thể hiện sự no ấm, hạnh phúc của mỗi gia đình, cũng như ước mong một năm mới đầy đủ, thịnh vượng và phát đạt.Ngày nay cuộc sống có phần khá giả hơn, những món ăn truyền thống đó được các mẹ nấu ăn hàng ngày. Việc có thể thưởng thức những món ăn trên không còn quá xa lạ với tất cả mọi người nữa.
Thời gian cứ trôi qua, nhưng những giá trị đã đi vào tiềm thức của người Việt Nam thì không bao giờ phai nhạt mất. Mong rằng bạn sẽ có được một mâm cơn Tết thật trọn vẹn và hạnh phúc trong cái Tết này nhé!