Mâm cúng tất niên vào chiều 30 Tết đã trở thành truyền thống thiêng liêng của mỗi gia đình Việt. Tục lệ này phổ biến ở khắp các địa phương trên cả nước, thậm chí còn quan trọng hơn cả cúng vào các mùng trong Tết. Không chỉ mang ý nghĩa kết nối các thành viên trong gia đình lại với nhau, bữa cơm tất niên này còn thể hiện lòng thành kính, nhớ về cội nguồn, tổ tiên của gia đình.
Mâm cúng Tất niên vào ngày 30 Tết
Cúng Tất niên khác với cúng Giao thừa. Thời điểm để cúng Tất niên sẽ vào chiều hoặc tối ngày 30 Tết. Bữa cơm Tất niên là dịp để con cháu trong nhà thể hiện lòng thành kính, tri ân của mình với thần linh, gia tiên, những người đã phù hộ độ trì cho gia đình được bình an mạnh khỏe trong suốt năm qua. Đồng thời, qua mâm cúng tất niên, người trong nhà sẽ mời ông bà, tổ tiên - những người đã khuất trong gia đình dòng họ của mình về, cùng gia đình đón Tết. Chim có tổ, người có tông - đây là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam từ bao đời nay.
Mâm ngũ quả cúng gia tiên
Mâm ngũ quả cúng 30 Tết thường được đầu tư chọn lựa rất kỹ lưỡng về cả hình thức lẫn ý nghĩa. Tùy theo quan niệm của từng vùng, từng gia đình mà người ta sẽ chọn những loại trái cây mang may mắn, tài lộc. Quả để cúng nên là những trái cây ăn được, không nên quá xanh hoặc quá già. Quả vừa đủ chín, không những có ngoại hình đẹp mà còn có thể chưng qua Tết. Mâm ngũ quả thường được đặt chếch sang 2 bên, không nên đặt chính diện với bát hương, sẽ làm chắn mất trục khí chính.
Ngoài ra, những trái cây lễ vật trên mâm ngũ quả, bạn cần chuẩn bị thêm cần chuẩn bị để lễ cúng được chu toàn là trầu cau, trà rượu, đèn nến, hương hoa, giấy tiền vàng mã,...
Các món ăn cần chuẩn bị cho một mâm cúng Tất niên tươm tất
Mâm cúng Tất niên không nhất thiết phải cầu kỳ, bày vẽ, quan trọng nhất vẫn là tấm lòng, thể hiện được sự chu toàn, thành tâm của mình với bề trên. người ta có thể tùy ý chuẩn bị những món ăn theo sở thích của từng vùng miền.
Bánh chưng, dưa hành
Bánh chưng, dưa hành đã trở thành truyền thống không thể thiếu với ước mong có một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Chính vì vậy, mâm cỗ cúng trời đất gia tiên vào ngày 30 Tết nhất định phải có bánh chưng. Thấy bánh chưng là thấy không khí Tết ngập tràn. Theo sự linh hoạt của phong tục tập quán, người dân miền Tây Nam Bộ thường dùng bánh tét thay cho bánh chưng.
Bánh chưng dưa hành truyền thống không thể thiếu trong mâm cúng Tất niên
Canh bóng thả
Canh bóng thả, hay canh bóng thập cẩm là một món ăn không thể thiếu trong cách bày mâm cúng tất niên ngày Tết của miền Bắc. Canh bóng thả được nấu từ nước hầm xương, bóng bì và các loại rau củ như súp lơ, su hào, cà rốt, đậu Hà Lan,...Để nấu được món canh này cần không ít sự tỉ mỉ, kỳ công, tinh tế trong từng công đoạn của người nội trợ. Vì thế, món ăn này ít xuất hiện trong bữa cơm hằng ngày mà trở nên trang trọng và đặc biệt hơn vào mỗi dịp sum họp, đoàn viên.
Canh bóng thả - một đặc trưng của tết miền Bắc
Chân giò hầm măng
Măng là nguyên liệu yêu thích được nhiều gia đình chọn lựa, để dành và chế biến trong dịp Tết. Măng có mùi thơm đặc trưng, vị thanh thanh chua nhẹ làm cho món ăn bớt ngán ngậy, khi kết hợp với chân giò tạo nên món ăn có hương vị hoàn chỉnh. Chân giò hầm măng phổ biến ở nhiều gia đình trên khắp mọi miền đất nước.
Chân giò hầm măng thích hợp cho mâm cỗ cúng ngày 30 tết
Canh khổ qua
Phổ biến với người dân Nam Bộ, canh khổ qua được dùng nhiều trong mâm cúng tất niên với mong muốn những điều đau khổ, không may mắn sẽ nhanh chóng qua đi.
Ăn canh khổ qua để cho những điều xui xẻo trong năm cũ sẽ đi qua
Thịt gà luộc
Thịt gà luộc là món ăn không thể thiếu trong mâm cúng tất niên của hầu hết mọi gia đình, đặc biệt là vào dịp Tết. Theo quan niệm xưa, gà mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, biểu tượng cho sự cương trực, mạnh mẽ, là mối liên giao giữa ngày và đêm, mang đến niềm tin và hy vọng.
Giò lụa, giò bò, giò thủ
Giò lụa được chế biến từ thịt nạc heo tươi ngon đem giã nhuyễn, quyện với hương vị nước mắm ngon, gói trong lá chuối và đem luộc. Giò bò cũng có cách làm như giò lụa, nhưng thành phần chính từ thịt bò. Nhiều gia đình lại chuộng giò thủ, giòn giòn sần sật không ngán.
Bộ sưu tập Các loại chả, thịt nguội và giò thủ tự làm đón Tết ý nghĩa hơn
Khoanh giò tuy đơn giản, dễ làm, nhưng nó tạo nên sự đầy đặn và cao sang cho mâm cỗ.
Gỏi nộm
Gỏi rất đa dạng và dễ làm, lại dễ ăn, mang lại cảm giác nhẹ nhàng, không ngấy dầu mỡ. Chính vì vậy, trong mâm cúng Tất niên của mỗi gia đình đa phần để có gỏi. Người miền Nam chuộng gỏi tôm thịt ngó sen, miền Bắc chuộng gỏi miến trộn. Hoặc tùy vào điều kiện và sở thích, từng gia đình sẽ chọn cho mình những món gỏi phù hợp.
Bộ sưu tập 100 món gỏi nộm chống ngán bắt miệng dễ làm tại nhà
Chả giò
Nguyên liệu chính của món ăn này bao gồm thịt băm, miến, hành lá, nấm hương,...gói trong bánh tráng, đem chiên ở nhiệt độ cao, tạo nên độ giòn và thơm cho từng cây nem cây chả.
Biến tấu một chút nguyên liệu để làm những món chả giò mới như chả giò tôm bắp, chả giò tôm thịt bằm,..
Thịt kho tàu
Thịt kho Tàu vốn đã thân quen với bữa cơm gia đình. Nhưng chỉ có vào dịp Tết, người ta mới có đầy đủ không gian để thưởng thức món ăn này đúng nghĩa. Món ăn là sự kết hợp giữa thịt heo ba chỉ, trứng vịt hoặc trứng gà và các nguyên liệu khác. Món ăn thể hiện sự hòa hợp âm dương, trên dưới thuận hòa trong gia đình.
Chỉ cần vài bước đơn giản đã có ngay món thịt kho tàu cúng tổ tiên ông bà
Mâm cúng Tất niên vô cùng quan trọng, đó không chỉ là cách chúng ta bày tỏ lòng thành với ông bà tổ tiên, đó còn là bữa cơm đoàn viên gắn kết mọi người trong gia đình, là khoảnh khắc mọi người cùng quây quần lại, ăn những món ăn ngày tết, bỏ qua hết những lo toan muộn phiền trong cuộc sống, cùng nhau đón một năm mới với những niềm tin và hy vọng mới.
Chúc cho đại gia đình Cooky có một mùa Tết thật nhiều niềm vui và hạnh phúc, năm mới bình an, vạn sự như ý!
Có thể bạn quan tâm: