Bánh chưng là một món không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền của người Việt, thể hiện lòng thành kính dân lên các bậc tổ tiên cầu mong mọi sự an lành trong năm mới đến. Bánh chưng muốn gói cho đẹp mắt thì bạn phải có khuôn, lá đẹp và dây lạt buộc trông bắt mắt.
Để gói bánh chưng thường phải cần:
- 4 cái lá dong lớn (2 lá ngoài, 2 lá trong màu sẫm và đẹp hơn)
- 4 cọng dây lạt buộc
Cách thực hiện:
Bước 1: Sơ chế lá
- Chọn lá dong loại lớn, rửa sạch, lau khô và để ráo. Tướt bỏ sống dày của lá (từ ngay điểm cần tướt hướng ra ngoài cuống lá). Tác dụng để làm mỏng đi bớt phần sống dày lõm chõm giúp bánh khi gói được sát và đẹp hơn. Nên nhớ đừng tướt quá nhiều mà thành ra chẻ đôi lá ra nhé!
- Kẻ 2 đường song song với nhau lên trên mặt thớt. Khoảng cách giữa 2 đường bằng khoảng cách giữa 2 cạnh mặt trong của khuôn.
- Gấp đôi lá lại sao cho đường viền chính giữa thẳng hàng. Dùng tay vuốt tạo nếp cho lá. Sau đó đặt lá đã gấp lên trên thớt và cắt ngắn lại theo khuôn. Giữ lại phần lá ngọn cắt dư, không bỏ đi nhé.
Mẹo cắt lá theo khuôn: Khi cắt nhớ không nên cắt bằng y khuôn mà nên để nhỏ hơn khoảng 0.3-0.5 cm. Tác dụng để khi xếp nhiều lớp lá vào khuôn thì sẽ vừa khít.
Bước 2: Gấp lá ngoài và lá trong
- Gấp lá trong
Gắp đôi lá lại, mặt bóng úp vào trong. Gấp miếng lá vào trong thành hình tam giác rồi dùng tay vuốt tạo nếp. Sau đó mở lá rộng ra, tay trái cố định đầu lá bên trái, bàn tay phải đặt lên miếng lá giữ cố định lên mặt phẳng. Dùng ngón tay cái của tay phải ấn ngược lại đường gấp tam giác vào trong, đồng thời di chuyển tay trái là cho lá đứng dậy thành 2 mặt phẳng vuông góc. Vuốt các đường gấp lại lần nữa tạo cạnh gấp chắc chắn.
- Gấp lá ngoài
Cách gấp tương tự như lá trong, nhưng gấp thêm 2 miếng lá vào nhỏ vào phía bên trong và vuốt tạo nếp như bên hình.
Bước 3: Xếp lá đã gấp vào khuôn
- Đặt 2 lá ngoài: Đặt lá ngoài vào vào 2 góc đối diện của khuôn bánh. Hạ miếng lá nhỏ dưới đáy lá gấp vào trong xuống để chúng có thể đan xen và cố định vào nhau.
- Đặt 2 lá trong: Sau đó đặt chồng lên 2 miếng lá trong vào 2 góc đối diện khác của khuôn.
- Chèn lá ngọn: Ở phần tiếp giáp của 2 lá ngoài còn hở, bạn nên đặt vào 1 miếng lá (lá ngọn đã cắt) theo hình chữ "V" để làm kín lại các góc còn hở.
Bước 4: Gói bánh
Trước khi gói đặt cọng dây lạt dưới khuôn sao cho vuông góc với người ngồi gói.
Cho nếp và nhân thịt, đậu vào đầy bánh trên cùng đặt 1 miếng lá hình vuông.
>> Xem thêm: Cách chọn nguyên liệu ngon để gói bánh chưng trong ngày Tết
Dùng bàn tay trái lật úp 1 bên lá xuống mặt nếp, tương tự với bàn tay phải. Dùng bàn tay ấn cho nếp dẹt đều ra 4 góc bánh.
Vuốt cho thẳng và tạo viền tam giác ở 2 đầu đối diện. Gấp 2 đầu tam giác vào sát đối đỉnh nhau là được.
Rút khuôn khỏi bánh. Dùng dây lạt, xoắn, buộc cố định tạm thời.
Bước 5: Buộc dây
- Dùng 2 cọng dây buộc song song và cách đều với nhau. Nhưng phải vuông góc với cọng dây cố định ban đầu.
Lưu ý: Hai dây tiếp theo cột tương tự, nhưng phải chú ý luồn dây xuống hai dây trước. Luồn dây xen kẽ để tạo hình như các mối đan.
Sau cùng nên dấu các mối dây buộc cẩn thận và dùng kéo cắt ngắn bớt cho gọn và đẹp nhé!
Bạn xem chi tiết cách gói bánh chưng trong video này nhé!
Cứ mỗi cặp bánh bạn hướng các mối dây buộc vào nhau rồi dùng lạt buộc lại hình chữ thập nhé!
Giờ thì chỉ cần cho bánh vào nồi và luộc chín thôi nào!
>> Xem thêm: Mẹo luộc bánh chưng xanh tự nhiên cho ngày Tết
Việc gói bánh cũng là dịp để các thành viên trong gia đình ngồi quây quầng lại bên nhau, trò chuyện và kẻ cho nhau nghe về 1 năm đã trôi qua. Những ký ức ấy mong rằng sẽ được tiếp nối mãi mãi!
Với cách hướng dẫn gói bánh trên mong rằng đến những bạn mới tập tành gói cũng trở thành thợ nghiệp dư luôn nhé! Chúc bạn thành công và năm mới gặt hái được nhiều may mắn!
Có thể bạn quan tâm:
- Cách gói bánh chưng bằng lá chuối cho ngày Tết rộn ràng
- Cách bảo quản bánh chưng được lâu hơn tránh bị hư hỏng ngày Tết
- Cách gói bánh tét chữ - Món quà Tết độc đáo và ý nghĩa của người Bến Tre
Minh Phát