Mẹ có thể quan sát lưỡi của con, từ đó phán đoán được con có bình thường hay đang gặp vấn đề nào khác về sức khỏe.
Là mẹ thì không được tự ý làm bác sỹ cho con, càng không được phép mua thuốc về cho con uống mà phải theo chỉ định của bác sỹ. Tuy nhiên mẹ vẫn cần phải có những kiến thức cơ bản, biết quan sát những dấu hiệu cảnh báo bệnh tật, để kịp thời đưa con đi khám và chữa trị. Sau đây là những dấu hiệu nhận biết bệnh thông qua quan sát lưỡi của bé.
Lưỡi bình thường
Bé có sức khỏe ổn định thường lưỡi sẽ mềm và hơi ẩm, màu hồng tự nhiên, lưỡi di chuyển dễ dàng. Ngoài ra bé nói to rõ và lưỡi có một lớp lông mỏng mềm. Bé không bị hôi miệng.
Lưỡi trắng
Lưỡi trắng do nhiều nguyên nhân gây nên, chủ yếu là do bị lạnh bụng. Hoặc cũng có thể do bé bị cảm lạnh. Khi bị cảm lạnh, lưỡi bé xuất hiện lớp lông dày màu trắng. Dần dần lưỡi sẽ chuyển sang màu vàng, khi đó trẻ có thể bị viêm phế quản cấp tính hoặc viêm phổi.
Nếu thấy lưỡi bé bị trắng như vậy, nên cho bé ăn món ăn ấm, hạn chế thực phẩm tính hàn, đồ ngọt và thực phẩm khó tiêu. Thích hợp nhất là ăn cháo, súp. Khi nấu cho thêm rau củ và thêm một chút gừng. Trái cây nên ăn nhiều táo, quýt. Hạn chế ăn xà lách, dưa chuột, cua, ốc, vịt, giá, dưa hấu vì đây là những thực phẩm tính hàn.
Xuất hiện mảng trắng trong miệng
Những vùng xuất hiện mảng trắng thường là lưỡi, mặt bên trong má, vòm miệng, môi. Những đốm trắng này không ảnh hưởng đến vùng xung quanh, có hình dạng giống cục u, bướu. Không gây đau, nếu lau sạch đốm trắng thì phía dưới lộ ra vùng niêm mạc đỏ, nhưng không chảy máu.
Nguyên nhân có thể do bé nhiễm nấm men candida. Trẻ vệ sinh răng miệng kém, cơ thể suy nhược hoặc suy dinh dưỡng cũng bị nhiễm loại nấu này. Nếu người mẹ bị nhiễm nấm âm đạo trong thời gian mang thai, khi bé sinh ra theo đường ống sinh cũng sẽ bị lây nhiễm. Trong thời gian cho bú, mẹ vệ sinh bầu ngực kém, vệ sinh bình sữa, núm vú kém có thể tăng nguy cơ lây nhiễm nấm candida cho bé. Để phòng ngừa bệnh mẹ cần tăng cường vệ sinh răng miệng cho bé. Nếu cho con bú thì vệ sinh bầu ngực trước và sau khi bé bú. Nếu nuôi con bằng sữa công thức cần tiệt trùng dụng cụ pha sữa và bình sữa cẩn thận.
Lưỡi vàng
Trên lưỡi bé xuất hiện những mảng bám màu vàng, dính, dễ lau sạch nhưng có mùi hôi hoặc chua. Đây có thể là do bé bị nhiễm trùng, sốt hoặc rối loạn tiêu hóa. Khi bé bị như vậy nên cho bé ăn nhẹ, ăn nhiều rau, trái cây, ít chất béo, thực phẩm chiên xào.
Lưỡi bị tróc vảy
Lưỡi bị tróc vảy như hình, không gây đau, chỉ gây cảm giác khó chịu khi ăn thức ăn chua, cay. Nguyên nhân có thể là do bé đang bị khó tiêu, hệ tiêu hóa gặp vấn đề, thiếu vitamin B hoặc các nguyên tố vi lượng. Mẹ nên đảm bảo khẩu phần ăn đủ đầy dinh dưỡng cho bé.
Lưỡi sưng đỏ
Đầu lưỡi sưng, viền lưỡi rõ nét hơn thường lệ, lớp màng lưỡi dày và trắng. Sau 2-3 ngày đầu lưỡi đỏ tấy và sưng, có màu như quả dâu tây. Nguyên nhân thường là do bé bị sốt kéo dài, sốt phát ban, tốt nhất mẹ nên cho bé đi khám. Nếu lưỡi chỉ đỏ tấy mà không có triệu chứng nào khác, có thể do bé bị thiếu kẽm.
Nếu bé gặp phải trường hợp này, bạn hãy tìm hiểu rõ và điều trị cho trẻ sớm nhất. Tránh làm ảnh hưởng đến bữa ăn của bé. Ngoài ra, để an toàn hơn, hãy đưa bé đến sở y tế để được chăm sóc, điều trị một cách tốt nhất.
(Nguồn: www.emdep.vn)