Blog

Tự Tay Làm Bánh Trung Thu Truyền Thống Tại Nhà Cho Ngày Tết Đoàn Viên

bởi Mai Trinh
Mon, 21 Sep 2020 08:57:00 GMT

Bánh Trung thu chính là một phần không thể thiếu trong ngày Tết Đoàn Viên. Thay vì mua bánh ở ngoài tiệm, bạn hoàn toàn có thể tự tay làm để món quà dành tặng người thân càng thêm ý nghĩa. Chần chừ gì nữa, cùng Cooky tìm hiểu ngay thôi!

Bánh Trung thu chính là một phần không thể thiếu trong ngày Tết Đoàn Viên. Ngoài mang tính biểu tượng, chiếc bánh đặc biệt này còn là cách mà mọi người bày tỏ tình cảm với người thân trong gia đình Thay vì mua bánh ở ngoài tiệm, bạn hoàn toàn có thể tự tay làm để món quà càng thêm ý nghĩa. Chần chừ gì nữa, cùng Cooky tìm hiểu ngay thôi!

Dù có bao nhiêu phiên bản mới lạ, bánh Trung thu truyền thống vẫn chiếm được cảm tình của rất nhiều người. Đừng lo lắng về việc bạn không phải là “dân chuyên", bởi làm bánh trung thu thực chất không hề khó nhằn như bạn nghĩ đâu. Chỉ cần bỏ một tí công sức tìm hiểu, đặt một tí tấm lòng, tham khảo kỹ công thức là có thể xắn tay áo vào bếp làm ngay những chiếc bánh đặc biệt cho ngày rằm tháng 8 rồi đó!

BÁNH NƯỚNG 

Chiếc bánh làm không ít người “mê mẩn" với lớp vỏ màu vàng hổ phách, dập hoa văn đẹp mắt. Tuy có nhiều loại nhưng nhân thập cẩm trứng muối vẫn được nhiều người yêu thích. Cùng bắt tay vào làm chiếc bánh vạn người mê này ngay nha!

Nguyên liệu (Khẩu phần 10 bánh)

Phần vỏ bánh

400gr Bột mì số 8

250gr Nước đường

50gr Dầu ăn

1 Lòng đỏ trứng gà

 

Phần nhân bánh

10 quả Trứng vịt muối

1 muỗng canh Rượu trắng

1 Củ Gừng

100gr Mứt bí

100gr Mứt gừng

100gr Mứt chanh

100gr Mè trắng

100gr Hạt điều

100gr Hạt dưa

5 Lá chanh 

200gr Lườn gà 

100gr Lạp xưởng

Hỗn hợp phết mặt bánh

2 Lòng đỏ Trứng vịt 

1 Lòng đỏ Trứng gà

2 Muỗng canh Dầu mè

 

Gia vị nhân bánh

100gr Bột bánh dẻo

1 muỗng canh Dầu mè

10ml Rượu mai quế lộ

100gr Mạch nha

50gr Nước đường

1/2 Muỗng cà phê Muối 

1/4 Muỗng cà phê Hạt nêm

 

Phần mỡ đường

150gr Mỡ heo

100gr Đường trắng

Thực hiện

Bước 1: Xử lý trứng muối

Tách lấy lòng đỏ trứng vịt muối, để riêng trong một cái tô để tránh bị vỡ. Để khử mùi tanh, ta ngâm lòng đỏ với rượu trắng, gừng đập dập trong khoảng 15 phút, sau đó xả lại với nước sạch. Ướp lòng đỏ với 10gr đường trắng, 1 muỗng canh dầu mè trong 30 phút rồi sau đó mang đi hấp với lửa nhỏ 30 phút nữa.

Bước 2: Làm vỏ bánh nướng

Trộn đều Nguyên liệu làm vỏ bánh trong 1 cái tô lớn. Sử dụng các ngón tay, quay và xoay đều thành vòng tròn theo chiều kim đồng hồ để hỗn hợp hòa quyện vào nhau. Dùng xẻng gạt bột qua một bên, cho từ từ bột mì vào, tiếp tục trộn và nhào bột thật đều. Làm như tương tự như vậy khoảng 7-8 lần (mỗi lần cho bột mì vào phải nhào đều cho tan hết bột áo).

Bước 3: Làm mỡ đường

Xem cách làm Mỡ đường chi tiết

Rửa sạch, để ráo phần mỡ heo. Chần sơ phần mỡ qua nước sôi sau đó để nguội, ráo. Cắt mỡ heo thành từng viên hạt lựu nhỏ cỡ ngón tay. Rải và trộn đều mỡ với 100gr đường trắng còn lại. Cho nguyên liệu ra khay, dàn đều thật mỏng, phơi ngoài nắng khoảng 1 ngày. Mỡ heo đạt yêu cầu là khi nhìn thấy mỡ trong, mềm.

Bước 4: Chế biến chà bông gà

Lườn gà rửa sạch, để ráo. Cắt lườn gà thành những lát mỏng, to rồi ướp với 1/2 muỗng cà phê muối, 1/4 muỗng cà phê hạt nêm khoảng 15 phút. Làm nóng lò trước 15 phút ở nhiệt độ 150 độ C. Cho lườn gà vào nướng khoảng 45 phút. Sau đó để nguội, xé lườn gà thành những sợi nhỏ. Làm nóng chảo, cho thịt gà vào, đảo đều nhỏ lửa đến khi thịt gà khô lại, chuyển qua màu vàng nhạt.

Bước 5: Làm nhân thập cẩm

Cho lần lượt mứt bí cắt hạt lựu, mứt chanh, mứt gừng cắt sợi nhỏ, mỡ đường, hạt mè, hạt điều tách nhỏ, hạt dưa, bột bánh dẻo, 1 muỗng canh dầu mè, 10ml rượu mai quế lộ, lá chanh, chà bông gà, lạp xưởng vào 1 cái tô lớn, trộn đều. Đun tan chảy mạch nha, đổ từ từ vào hỗn hợp, dùng tay nhào để mạch nha ngấm đều vào nhân. Cho 50gr nước đường vào, tiếp tục trộn đều. Dùng tay bóp hơi mạnh cho phần nhân dẻo lại, vo thành viên tròn. Mỗi nhân khoảng 110gr.

Bước 6: Hoàn thành phần nhân bánh

Dùng tay đè nhân bánh xẹp ra, cho lòng đỏ trứng vịt muối vào, vo lại thành viên sao cho phần nhân bao bọc hết lòng đỏ trứng vịt muối. Khối lượng nhân lúc này khoảng 130gr. Hạt mè, hạt điều, hạt dưa cho lần lượt vào chảo khô, rang nhỏ lửa cho đều tay, để riêng. Lá chanh rửa sạch, lau khô, cắt sợi nhỏ. Lạp xưởng mua về cho vào lò nướng khoảng 15 phút ở nhiệt độ 150 độ C.

Bước 7: Tạo hình bánh

Cân vỏ bánh mỗi viên khoảng 75gr, vo tròn đều. Dùng má bàn tay ấn nhẹ sao cho viên vỏ bánh dẹp ra. Đặt viên nhân trứng muối vào, nhẹ nhàng dùng tay vuốt đều bột bao phủ xung quanh viên nhân sao cho thật đều. Áo quanh bánh một lớp bột mì.

Dùng cọ quét sạch các mặt trong khuôn bánh. Nhẹ nhàng đặt viên bánh vào khuôn. Sử dụng 2 tay, ấn một lực thật mạnh lên bánh sao cho bánh nằm đều trong khuôn. Tiếp tục dùng má bàn tay ấn nhẹ đều các cạnh để tạo các góc, mép như vậy bánh sẽ đều, đẹp hơn. Từ từ lấy nhẹ bánh ra khỏi khuôn, tránh làm vỡ bánh.

Bước 8: Nướng bánh

Làm nóng lò nướng trước 10 phút ở nhiệt độ 180 độ C. Giai đoạn 1 xếp bánh lên khay nướng, cho bánh vào lò nướng 15 phút (lửa trên). Giai đoạn 2 lấy bánh ra cho bánh nghỉ 15 phút. Sử dụng cọ quét khô, phủi các lớp bột áo trên bánh cho bánh được rõ nét, sạch.

Trong thời gian bánh nghỉ, pha màu quét bánh. Cho các Nguyên liệu phần quét bánh đã chuẩn bị vào chén, khuấy đều (có thể cho thêm 2-3 muỗng cà phê lòng trắng trứng vịt). Rây hỗn hợp qua rây cho thật mịn để loại bỏ những cặn, bã. Dùng cọ quét hỗn hợp lòng đỏ trứng lên bánh. Cuối cùng, cho bánh vào lò nướng ở tầng 2 trong 10 phút ở nhiệt độ 200 độ C (lửa trên và dưới). Cứ 5 phút lấy khay ra, đổi ngược khay nướng lại ở tầng 3, tiếp tục nướng đến khi hết thời gian.

Bước 9: Hoàn thành

Lấy bánh ra, để nguội hẳn rồi cho vào hộp bảo quản ở nơi thoáng mát. Bánh có thể sử dụng trong vòng 10 ngày.

BÁNH DẺO

Không cầu kỳ như bánh nướng, làm bánh dẻo cực kỳ đơn giản. Đối với chiếc bánh có vẻ đẹp riêng bởi “lớp áo” trắng mềm mịn, phần nhân thường được làm từ những nguyên liệu chín nên sau khi ép khuôn là có thể dùng ngay. Tham khảo công thức bên dưới để xem cách làm một chiếc bánh dẻo nhân đậu xanh có gì đặc biệt nhé! 

Nguyên liệu (Khẩu phần 2 bánh cỡ 75gr)

145gr Bột bánh dẻo

200ml Nước đường

100gr Đậu xanh

45gr Đường trắng

28gr Dầu ăn

Thực hiện

Bước 1: Làm nhân bánh 

Đậu xanh rửa sạch. Ngâm đậu với 130ml nước nóng khoảng 1 - 1.5 tiếng để đậu mềm. Sau đó đổ hết nước, cho đậu xanh vào nồi, thêm 45gr đường trắng và 200ml nước nóng. Hầm đậu, khi thấy nước sôi thì hạ lửa mức nhỏ và vừa.

Khi đậu mềm nhuyễn, bắc khỏi bếp và để nguội. Lọc đậu xanh qua rây rồi cho vào chảo để sên. Để lửa vừa, thêm 20ml dầu ăn, khuấy đều để hỗn hợp hoà quyện.

Sên đậu đến khi được hỗn hợp sệt sệt. Cho 5gr bột bánh dẻo và 40ml nước vào chén, khuấy đều để hòa tan. Sau đó cho vào chảo đậu đang sên để hòa quyện hết với nhau. Tiếp tục sên như vậy đến khi thu được phần nhân rất đặc, không chảy hay biến dạng.

Đổ nhân ra đĩa, để nguội bớt. Khi nhân còn ấm nặn thành viên nặng 25gr. Dùng màng bọc thực phẩm đậy nhân lại để nhân không bị khô.

Bước 2: Làm vỏ bánh

Cho 200gr nước đường, 1/2 muỗng canh dầu ăn vào tô lớn. Một tay khuấy nước đường, một tay múc từng muỗng bột đổ vào tô. Lưu ý rằng khi bột hòa quyện hết trong nước mới cho muỗng tiếp theo. Bột sẽ đặc hơn trong quá trình trộn.

Thấy bột đã tương đối đặc, dùng phới để trộn. Tiếp tục tới khi dùng hết khoảng 100gr lượng bột khô. Khối bột lúc này khá đặc nhưng vẫn còn ướt và dính. Rải 20-30gr bột khô phủ lên bề mặt bàn sạch. Tiếp theo cho phần bột đã trộn ra bàn và dùng một muỗng bột khô phủ lên trên bề mặt. Để bột nghỉ 10-15 phút.

Nhồi bột nhẹ nhàng. Dùng bột khô trên bàn để chống dính cho tay. Khi này bột khô trên bàn sẽ thấm vào khối bột làm khối bột dẻo và cứng dần trong quá trình nhồi. Khi gần hết bột khô, khối bột trở nên rất đặc dẻo và không dính tay là đạt.

Bước 3: Tạo hình bánh

Tiến hành chia bột thành các phần bằng nhau, mỗi phần có khối lượng 50gr. Dùng màng bọc thực phẩm đậy lại phần bột chưa làm. Sau đó lấy một miếng bột cho ra mặt phẳng, dùng lòng bàn tay ép dẹt miếng bột, nặn thành hình tròn, rìa ngoài mỏng hơn ở giữa. Sau đó lấy một phần nhân đã làm ở trên đặt vào giữa miếng bột, gói lại.

Chuẩn bị khuôn bánh cỡ 75gr. Lăn bánh nhẹ trên mặt bàn để bao 1 lớp bột mỏng ngoài vỏ, lớp bột này sẽ giúp bánh không dính vào khuôn. Cho bánh vào khuôn, mặt mịn cho xuống dưới, dùng đầu ngón tay nhấn quanh viền và ở giữa giúp bánh dàn đều trong khuôn. Đổ bánh: úp mặt đáy bánh xuống mặt bàn, rồi nhấn nhẹ lò xo để bánh ra khỏi khuôn, sau đó lấy khuôn lên là bạn đã có được bánh trung thu dẻo rồi!

Bước 4: Hoàn thành

Cho bánh vào hộp hoặc đậy bánh lại để không bị khô. Sau 1-2 ngày bánh chuyển trong và dẻo, ăn sẽ ngon hơn. Lưu ý rằng bánh được bảo quản trong 5 ngày dưới nhiệt độ phòng nhé!

Bí quyết khi làm bánh trung thu tại nhà

So với các loại bánh khác, chiếc bánh Đoàn viên đòi hỏi nhiều sự khéo léo của bàn tay người làm. Tuy vậy cũng đừng lo lắng, nắm rõ những bí kíp sau, bạn hoàn toàn có thể “bách chiến bách thắng" trong công cuộc làm bánh cho ngày rằm tháng 8 sắp đến.

Làm bánh không quá khó, chỉ sợ lòng không bền. Nhồi bột và tạo kiểu, quyết chí ắt làm nên. Chúc mọi người có thành công và có những món quà thật ý nghĩa dành tặng người thân trong ngày Tết Trung thu sắp đến nhé!

Huỳnh Mai Trinh

Có thể bạn quan tâm:

 

 

Xem nội dung đầy đủ

Bài viết mới nhất

Tri Ân Khách Hàng, Cooky Gửi Tặng COINS Sử Dụng Trên App Cooky Cooky gửi tặng riêng cho quý khách nhận được thông báo. Số COINS cộng vào tài khoản tại App. Để sử dụng, quý khách vui lòng xem theo hướng dẫn ở các bước dưới đây. Đi Chợ Với Cooky Market - Thanh Toán Qua ShopeePay, Giảm Ngay 50K Bước sang thềm năm mới 2022, Cooky và ShopeePay gửi tặng quý khách hàng SIÊU ƯU ĐÃI GIẢM 50K khi thanh toán qua ShopeePay để chúng ta cùng nhau đi chợ tiện lợi mà vẫn tiết kiệm. Khoe Vị Tết Nhà, Nhận Ngay Giải Thưởng Lên Đến 100 Triệu Đồng Dù đón Tết xa quê hay được đoàn viên bên gia đình, bạn cũng đừng quên trổ tài sáng tạo và khoe các món Tết đặc sắc của quê mình cùng Sữa đặc Ông Thọ để rinh về những lì xì vô cùng hấp dẫn lên đến 100 triệu đồng nha Gợi Ý 4 Cách Nấu Cháo Yến Mạch Cho Bé Nhiều Bổ Dưỡng Có thể mẹ chưa biết, yến mạch là loại thực phẩm chứa hàm lượng dinh dưỡng cũng như các khoáng chất thiết yếu cao. Bên cạnh đó, đây còn là loại thực phẩm khá lành tính và ít gây dị ứng nên mẹ hoàn toàn có thể nấu cháo yến mạch cho bé khi bước vào giai đoạn ăn dặm.
xem thêm bài viết khác