Tây nguyên, mảnh đất đầy nắng và gió khiến cho trái tim nhiều người rung động. Nói đến mảnh đất này không thể không kể đến những mảnh vườn cà phê bạt ngàn hương thơm, những trụ tiêu với hàng ngàn trái mọc trĩu và những vườn chè trùng trùng, điệp điệp khiến cho khung cảnh nơi đây thêm đẹp mắt, hấp dẫn.
Tháng 2 là tháng bắt đầu của những bông hoa cà phê đua nhau nở rộ. Cứ như vậy, nó kéo dài đến hết tháng 4 của năm. Chẳng thể nào mà diễn tả được cảm xúc khi cùng mình hòa nhập vào hương thơm ấy. Nếu như là người dân nơi đây, họ quá quen thuộc với mùi hoa cà thì với những người tha phương, những du khách nơi xứ lạ sẽ chẳng thể nào ngửi nổi mùi của loài hoa này bởi sẽ làm bạn "say".
Đứng từ trên cao xuống, bạn sẽ thấy được một màu trắng tinh khôi của những bông hoa cà phê, tất cả như hòa mình vào không gian màu xanh của lá, cây rừng. Đơn giản hơn thế, hoa nở rồi sẽ tàn, cứ như vậy từ lúc hoa ra cho đến khi nó tàn chỉ còn lại một màu nâu xám. Thời gian hoa nở, rụng cũng đủ để làm say đắm lòng người.
Giữa tiết trời nắng nóng, gió vào ban ngày, se lạnh vào ban đêm chính là điểm hấp dẫn nếu bạn có dịp đặt chân đến cùng đất Tây Nguyên. Mùa hoa cà phê tới, theo làn hương ấy ong bướm lại tìm về, say mê làm mật ngọt cho đời, mang tới cho cuộc sống những âm thanh rộn ràng, náo nức. Mật ong hoa cà phê cũng là một sản vật đang ngày càng tạo lập được thương hiệu của vùng đất Tây nguyên.
Tây Nguyên là vùng đất của những loại cà phê nguyên chất, thức uống quá quen thuộc của tất cả mọi người trên thế giới nói chung và người Việt Nam nói riêng. Một hương vị đậm đà, thơm thơm hòa quyện với chút đăng đắng của những hạt cà phê khiến bạn không thể chối từ. Sáng sớm thức dậy, ngồi thưởng thức, nhâm nhi những giọt cà phê đen thì không còn gì tuyệt hơn.
Để có được những hạt cà phê ngon thì người nông dân phải trải qua biết bao khó khăn, cực nhọc, cả những giọt mồ hôi giữa cái trời nóng oi bức. Thông thường, cà phê bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 12. Mỗi năm chỉ có một vụ mùa. Quá trình cây đơm bông, kết trái người nông dân phải tần tảo, bón phân, tưới nước, rồi chăm sóc từ li từng tí để những con sâu không phá hoại cây, quả, cho năng suất cao hơn.
Thu hoạch xong mới bắt tay vào công đoạn phơi. Những hạt cà phê đem về, trải đều ra những tấm bạt to. Dưới cái nắng gay gắt chỉ cần khoảng 10 ngày là hạt cà phê khô lại. Khi cầm hạt cà phê trên tay, lắc nhẹ có tiếng kêu thì chứng tỏ hạt cà phê đã khô, đủ nắng. Chưa kể những ngày mưa gió, hạt cà phê lại ướt đẫm khiến cho người dân lại thêm khổ cực hơn.
Vậy mà chưa hẳn đã xong. Cà phê phơi xong phải trải qua một công đoạn nữa đó là xay. Những hạt cà phê sẽ được cho vào máy xay cà phê, tách lấy hạt, bỏ vỏ (hay còn gọi là phần trấu). Ngoài sử dụng hạt cà phê để chế biến thức uống thì phần vỏ cũng được người dân nơi đây đem ủ với phân bò, lá cây, bọc kín để dùng làm phân bón trực tiếp vào cây cà phê, những loại cây ăn trái. Vừa tiết kiệm được chi phí lại một công đôi việc.
Sau khi đóng gói, cà phê sẽ được chế biến, xay nhuyễn thành dạng bột, dùng để pha chế thành thức uống hàng ngày. Tuy vất vả, mệt nhọc nhưng chất lượng, mùa vụ đạt sẽ khiến cho tinh thần, niềm phấn khởi của người nông dân được cải thiện hơn. Họ sẵn sàng chăm sóc, tiếp tục đón chờ mùa cà phê của năm sau.
Bí quyết để pha được một ly cà phê ngon là bạn chỉ cần cho bột cà phê vào ly, thêm chút đường, nước nóng, khuấy đều. Tùy vào sở thích của từng người mà cách dùng cũng khác nhau. Có người thì thích cho sữa đặc hơn, có người thì chỉ cho chút đường để giảm bớt độ đắng của cà phê nhưng vậy mà không đánh mất đi nét đặc trưng riêng của loại thức uống này.
Nếu có dịp ghé và đặt chân đến vùng đất này, đừng quên dừng lại thưởng thức, mua cho mình những gói cà phê thơm ngon, đậm đà về làm quà người thân, gia đình nhé! Dù sống ở đây hay đất khách quê người, mỗi khi thưởng thức ly cà phê thì hãy nhớ về mảnh đất Tây Nguyên yêu dấu và cất lên câu hát:
"Ly cà phê như muốn nói, nói cùng em câu gì
Ly cà phê như muốn hát, hát cùng em câu gì
Hương bay theo làn khói vẽ mùa xuân long lanh
Hương bay theo làn tóc vẽ tình yêu mong manh"...
Cobe Lilom