Đối với một người sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, những món ăn như bánh mì, phở bò, chả cá, cơm tấm, bún chả đã trở thành một thói quen thường nhật, hương vị từng món như đã ngấm sâu vào xương tủy. Nhưng cũng chính những món ngon này đã mang ẩm thực Việt Nam bước ra thế giới với hàng nghìn bài báo ca ngợi. "Tôi đến Việt Nam chỉ để được ăn món Việt Nam" - những người bạn ngoại quốc của tôi đã nói như vậy!
Điều gì khiến bạn quyết định thử du lịch tại một đất nước xa lạ? Con người, văn hóa, cảnh đẹp hay ẩm thực? Vì bất kỳ lý do gì cũng được, bởi vì bạn sẽ không bao giờ tìm ra được một Việt Nam thứ hai trên thế giới. Một Việt Nam mà con người, văn hóa, phong cảnh và ẩm thực thay đổi theo từng ngày, ghi dấu từng cột mốc thời gian và được gìn giữ theo cách rất tự nhiên.
1. Bánh mì Sài Gòn - Đặc biệt thơm ngon, hai ngàn một ổ!
Đã có một thời điểm, bánh mì thật sự đã soán ngôi tất cả những món ăn sang trọng cầu kỳ. Bánh mì Việt Nam xuất hiện như một cơn địa chấn với tư cách 1 trong 10 món sandwich ngon nhất thế giới.
Là người Việt Nam, tôi đã rất tự hào vì điều đó. Bánh mì là món ăn gắn liền với tuổi thơ của đa số người Việt, chắc chắn là vậy! Nghe mẹ tôi kể lại, một ổ bánh mì nóng bán trong cái giỏ tre to, giữ ấm bằng vải bố chỉ có giá hai trăm đồng. Đến năm tôi lên 6, bánh mì dồn bì, nửa ổ người ta vẫn bán.
Bánh mì theo tôi lớn lên khi ba mua dúi vào trong chiếc ba lô nhỏ. Rồi lại theo tôi trên chiếc giỏ xe đạp Martin đi học sáng chiều. Năm vào đại học xa cơm nhà, bánh mì là bạn đồng hành mà tôi tìm đến nhiều nhất. Giữa cuộc sống bộn bề, vội vã, những chiếc xe bánh mì nhỏ vẫn nép mình bên những con phố, nẻo đường. Người đi học cũng ghé, người đi làm cũng mua.
Bánh mì Việt Nam không chỉ tạo dấu ấn trong lòng bạn bè quốc tế vì vỏ bánh giòn tan, nhiều thịt phía trong, đồ chua ăn kèm hay mùi vị không thể nhầm lẫn mà còn là vì sự đa dạng của nó. Một món ăn, với nhiều phiên bản nhưng lạ thay loại nào cũng nổi tiếng gần xa. Từ bánh mì thịt nguội, bánh mì xá xíu, bánh mì xíu mại, bánh mì chả cá đến bánh mì trứng ốp la, bánh mì thịt nướng, bánh mì xiên nướng, bánh mì bò lụi, bánh mì chả lụa, bánh mì phá lấu, bánh mì xúc xích, bánh mì gà xé,... Bạn có đếm xuể mình đã ăn bao nhiêu ổ bánh mì trong đời mình?
2. Phở - Một tuyệt tác của ẩm thực Việt Nam
Phở từ lâu đã là một món ăn không thể thay thế được trong lòng mỗi người Việt. Phổ biến nhất là phở bò và phở gà.
"Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon". Phở ngon phải là loại phở truyền thống, nấu bằng xương bò,"nước dùng trong và ngọt, bánh phở mềm dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây đủ cả" thoảng nhẹ như một nghi ngờ - Thạch Lam (Hà Nội băm sáu phố phường).
Phở ngày xưa là một món ăn khá xa xỉ với gia đình tôi. Chỉ những ngày chủ nhật thảnh thơi khi không đi làm hoặc lúc tôi đạt điểm 10 quan trọng, ba mới dắt cả nhà cùng đi ăn phở. Ba còn bảo, ăn phở phải kèm một chén trứng tái béo mới đúng bài bản.
Phở miền Nam cũng hào sảng như người dân nơi đây vậy, tô phở đầy ắp tái, nạm, gầu, gân và bò viên, ăn kèm cùng tương xay. Phở Hà Nội đặc biệt sẽ cuống hút hơn khi ăn cùng nước mắm thêm chút hương vị cà cuống.
3. Chả cá Lã Vọng - Tinh hoa châu báu vùng đất Kinh Kỳ xưa
Thời kỳ Pháp thuộc, ở số 14 Hàng Sơn có một gia đình họ Đoàn. Chủ nhà này hay làm một món chả cá rất ngon đãi khách, và rồi những vị khách ấy đã giúp gia đình mở một quán chuyên bán món chả cá ấy. Trong nhà hàng luôn bày một ông Lã Vọng - Khương Tử Nha ngồi bó gối câu cá - biểu tượng của người tài giỏi nhưng đang phải đợi thời. Vì thế khách ăn quen gọi là Chả cá Lã Vọng. Và bí quyết làm chả cá chỉ truyền lại cho người con cả họ Đoàn.
Chả cá làm từ cá lăng tươi, ít xương nhưng lại rất ngọt thịt hoặc cá anh vũ hiếm hoi. Cá được lóc thành miếng ướp với nước riềng, mắm tôm, tiêu, nghệ... và nướng trên lửa than dậy mùi thơm lừng. Khi ăn, cá phải được rán qua một lần nữa trên chảo mỡ sôi, chấm kèm với mắm tôm, ăn cùng đậu phộng rang giã nhuyễn, bún và không thể thiếu lá thì là.
Tôi đã từng được ăn vài món chả cá Lã Vọng tại những quán Sài Gòn. Thật sự rất ngon nhưng không thể tìm đâu được hương vị tuyệt vời khó tả của món chả cá Lã Vọng nơi Hà Nội.
Nếu để bình chọn một món ăn có màu sắc lẫn hương vị đặc biệt hiếm trùng lặp thì không đâu có thể thay thế chả cá Lã Vọng.
4. Bún chả cá Hà Nội - Bảo vật trăm năm đất Thăng Long
Một người bạn Hà Nội đã giới thiệu với tôi rằng: bún chả là món ăn có sức sống lâu bền nhất đất Thăng Long. Vào một buổi chiều tối cuối thu, được ngồi bên một góc phố cũ, ăn một mâm bún chả Hà Nội trong cái se lạnh và mùa hoa sữa thơm nồng. Tôi chợt nhận ra rằng, tôi không thể nào rời xa những món ăn Việt Nam.
Thịt nạc vai được băm nhuyễn cùng hành tím, hành khô, mỡ lợn và tẩm ướp gia vị cho thật vừa ăn. Vo tròn hoặc ấn dẹp rồi nướng trên than hoa nghi ngút khói. những viên chả lan tỏa mùi hương khắp một con phố nhỏ.
Nước mắm pha loãng và nêm thêm đường, mì chính, nêm nếm cho thật thanh nhẹ để có thể vừa chấm vứa húp được. Khi ăn, cho chả nóng vào chấm trong ngập nước mắm, ăn kèm đồ chua làm từ đu đủ hoặc củ su ngâm giấm. Cuối cùng là thưởng thức cùng bún tươi và các loại rau cải xanh như rau diếp, tía tô,...
"...Có một ông đồ cuồng chữ ở nhà quê, một hôm khăn gói lên Hà Nội đã ứng khẩu đọc hai câu thơ khi ngửi thấy mùi khói chả:
Ngàn năm bửu vật đất Thăng Long.
Bún chả là đây có phải không?..."
5. Cơm tấm Sài Gòn - "Sườn bì chả hai trứng"
Nói đến cơm tấm Sài Gòn khiến tôi liên tưởng ngay đến chiếc xe kính lách cách trong con hẻm nhỏ hoặc vỉa hè rợp bóng me, vài chiếc bàn nhỏ, dăm ba cái ghế nhựa. Khói nghi ngút bốc lên từ vỉ thịt nướng thơm lừng kéo chân bất cứ ai đi qua.
Nhiều du khách nước ngoài đã viết rất nhiều bài báo về sự "ngon một cách khó hiểu" của cơm tấm Sài Gòn. Cũng là cơm, là thịt nướng, trứng chiên nhưng tại sao lại ngon đến vậy.
Cơm phải là gạo tấm được sôi lên không nhão cũng không khô, các hạt cơm rời nhau. Sườn cốt lếch thấm gia vị thơm một mùi hương đặc trưng mà không món thịt nào có được. Chả trứng là một đặc sắc của món ăn khi kết hợp cùng bì cơm tấm thơm mùi thính trộn. Thêm 1 trứng gà ốp la và đồ chua chống ngán, rưới ít mỡ hành lên mặt. Nước mắm cơm tấm là linh hồn của món ăn, vừa sệt vừa ngọt thơm không phải ai cũng có thể làm được. Chỉ vậy thôi có thể thấy một món ăn vỉa hè mà lại cầu kì đến lạ.
Sáng trưa chiều hay tối, tôi đều có thể dễ dàng tìm thấy cơm tấm mỗi khi muốn ăn. Thậm chí những hôm về muộn, tôi chỉ cần ghé vào xe cơm tấm khuya gần nhà, ăn no nê 1 đĩa là có thể về nhà ngủ ngon. Nếu bạn từ phương xa đến Sài Gòn, nhất định tôi sẽ dẫn bạn đi ăn ngay cơm tấm Sài Gòn.
Với tôi, Việt Nam có hàng ngàn món ăn đặc sản, hàng trăm dư vị không thể nào quên. Chắc chắn một điều rằng, nếu đã từng ăn qua món Việt, bạn cũng sẽ như tôi, không thể nào quên. Còn bạn thì sao? Món ăn Việt trong bạn như thế nào, có thể chẻ chia cùng tôi không?